top of page

Nhìu Cồ San

  • Writer: Lynnie Bailey
    Lynnie Bailey
  • Feb 8, 2022
  • 11 min read

Tôi tới Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai một ngày tháng 11 năm 2021 sau hơn một năm trời không leo núi. Tôi thậm chí còn không thể nhớ ngọn núi cuối cùng trước Nhìu Cồ San mà tôi đã đi là ngọn núi nào. Công việc mới nhấn chìm con người tôi đã từng là, bằng áp lực, bằng những toan tính, những âu lo mà suốt một năm sáu tháng không lúc nào ngưng, khiến tôi quên hẳn đi những ngọn núi mà tôi yêu mến. Một ngày, tôi tìm lại blog Shoes Size 36, đọc lại những hành trình tôi đã đi và thật sự bất ngờ về con người mình ở tuổi 23,24. Đó là một người rất khác với tôi bây giờ, sung sức, đầy nhiệt huyết, đầy những suy tư và hăm hở sống. Còn tôi, ngay cái lúc đọc lại những dòng văn của chính mình, 26 tuổi, là một người sụt cân nghiêm trọng nhưng lại tăng đầy những nghi ngờ về bản thân, kiệt quệ, lo lắng, và đã rất lâu không cảm thấy vui vẻ. “Suddenly, I am not half the man I used to be” – câu hát của The Beatles vang lên trong đầu tôi. Và một ngày cuối tháng 11, cái tháng cận cuối năm mà tôi tạm hài lòng về kết quả kinh doanh của công ty, tôi quyết định mình phải đi tìm lại cảm giác vui vẻ từng có mà tôi đã viết về những hành trình của mình với những ngọn núi. Vùng núi phía Bắc Việt Nam hiện lên như một giấc mơ và Nhìu Cồ San là nơi tôi lựa chọn.


Dù viết rất nhiều về việc không được quá tự tin khi đi leo núi, tôi vẫn là một đứa chủ quan không thuốc chữa. Sự chủ quan đó tai hại nhất ở việc tôi không thèm mua 1 đôi giày leo núi mới mà đi luôn đôi Adidas EQT vì nghĩ rằng “leo núi ở Việt Nam có khó lắm đâu”. Tôi cũng không thèm xem dự báo thời tiết, vì nghĩ rằng “số mình hên lắm”. Đổi lại thì sau rất nhiều hành trình đã qua, tôi hiểu được bản thân mình. Vì hiểu cái bản ngã xấu xa sẽ chồi lên gây rối khi bị đói, tôi nèn chặt balo không biết bao nhiều bánh và kẹo loại ngọt nhất. Hiểu cái thân này sẽ “biu-ti-phun” trên cái xe chung chuyển từ thị xã lên chân núi, sẽ chóng mặt xây xẩm tới mất cả vui nên có bao nhiêu chặng xe đi là bấy nhiêu lọ thuốc chống say tôi cầm theo. 10h tối thứ 6, với một chiếc balo nhẹ nhất có thể, tôi một thân một mình như bao hành trình khác tới điểm hẹn tập kết của đoạn leo.


Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra mình lo lắng vì cái hành trình leo núi có hai ngày một đêm, một ngọn núi chỉ có hơn 2965m? Trong đầu tôi như chia làm hai nhân vật, một con nhỏ bánh bèo đi qua đi lại vì lo lắng, thậm chí muốn rút lui; con nhỏ còn lại thì cười phá lên vì sự ẻo lả đó. Nhưng tôi biết mình vẫn luôn lo lắng như thế, có bao giờ là không đâu. Tôi cũng biết là chỉ cần bước một chân đi, vượt qua sự bất an thường trực ấy, mọi chuyện sẽ ổn thôi, cảm giác ấy chưa bao giờ níu được chân tôi mà.


Thị trấn Sa Pa sáng thứ 7 hôm ấy lạnh và nặng hơi ẩm ướt. Một cơn mưa vừa đi qua và không khí thì đặc quánh lại. Nhìn mặt trời lên mà thị trấn vẫn mờ mịt sương, tôi khe khẽ trút một hơi thở hắt, không ổn rồi… Nhưng tôi vẫn giữ cho mình một tâm trạng lạc quan. Hồi leo Kinabalu, tôi còn gặp cả một cơn mưa to, ấy thế mà sau đó được bù lại cho cảnh hoàng hôn cam tím đẹp lộng lẫy và một bầu trời trong vắt sáng hôm sau để ngắm sao thỏa thích. “Số mình hên lắm” – tôi lại thầm động viên bản thân.


Tôi và mọi người trong đoàn đã không được hên như tôi nghĩ vào ngày hôm ấy. Dù đã đi qua nhiều kiểu địa hình, nhiều kiểu thời tiết, phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ đi trong một màu trắng mờ ảo, mù mịt hơi nước tới mức tầm nhìn xa chỉ được 2 mét như chuyến đi Nhìu Cồ San này. Cả đoàn đã lò dò đi từng bước trong cái màn trắng mờ đục đó, không nhìn thấy gì khác ngoài những cái cây gần, những hòn đá dưới chân ẩm ướt. Gần trưa, đoàn tới thác Ong Chúa cũng là điểm dừng chân ăn trưa. Mùa đông, thác ít nước, chỉ có những dòng chảy bé lặng lẽ chảy xuống dưới. Những dòng chảy ấy hòa thêm vào đám sương một chút mù mịt, khiến khung cảnh quanh thác càng kém rõ ràng hơn. Tôi chống gậy đứng nhìn cái thác thở dài lần nữa, rốt cuộc sao mình lại đến đây nhỉ?


Thác Ong Chúa mù mịt hơi nước


Có 3 lí do mà tôi mê hiking. Thứ nhất vì tôi thích rừng cây, thích thiên nhiên nguyên bản và trong lành. Thiên nhiên nguyên bản luôn làm tôi thấy mình nhỏ bé và khiêm tốn. Giữa núi rừng mở ra một không gian rộng lớn, nơi những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau tới vô tân, tôi sẽ phóng tầm mắt mình ra trời đất mà tận hưởng cảm giác lẻ loi, tầm thường của cái tôi này. Thứ hai vì tôi ghét chốn đông người và những ngọn núi luôn là chỗ trốn hoàn hảo khỏi sự ồn ào, hỗn độn ngoài kia. Cuối cùng, mọi hành trình leo núi đều luôn giúp tôi có một sự nhận ra, một bài học nào đó về chính bản thân tôi mà một cuộc đời hưởng thụ bình thường không thế chỉ ra được. Nhìu Cồ San ngày hôm ấy đã không thể cho tôi một khung cảnh đẹp, nó chỉ cho tôi ba màu sắc: xanh, trắng và nâu. Nhưng đúng là, những ngọn núi không bao giờ làm tôi thất vọng về những bài học chúng dạy cho tôi, và Nhìu Cồ San cũng vậy.


Xanh - trắng - nâu

Qua giờ trưa, đoàn tôi vượt lên khỏi rừng để đi trên mạn sườn núi. Đường đi hẹp, hai bên được che phủ bởi những khóm trúc thấp tịt, trải dài xuống sườn dốc khiến việc men theo núi không quá đáng sợ. Đi một lúc thì đi qua mây, trời đất bắt đầu hiện ra rõ ràng và tươi tắn hơn hẳn sự ảm đạm mù mịt dưới kia. Những đỉnh núi hàng xóm bắt đầu hiện ra xung quanh khiến dải núi phía Bắc trở nên hấp dẫn và mời gọi. Không thể tin được, một người tự nhận là thích núi non như tôi mới chỉ bước chân tới vùng núi này lần thứ 2. Được một lúc thì mây bắt đầu bay lên, nhấn chìm tôi trong cái sự mờ mịt một lần nữa. Không còn rừng cây che chở, tôi trơ mình giữa những khóm trúc lùn ngang bắp chân và co ro trong làn mây lạnh giá. Gió thổi vù vù bên cạnh còn tôi thì cố gắng đi nhanh ở những chỗ dễ đi để làm ấm người. Đó cũng là đoạn đường cuối cũng tới lán nghỉ chân, kết thúc ngày đầu tiên trên núi Nhìu Cồ San.



4h sáng, tiếng nhạc báo thức vang lên trên nền của tiếng mưa rơi nặng hạt. Trưởng đoàn thông báo chờ mưa ngớt rồi xuất phát. Dù sao thì với tiếng mưa này, tôi chẳng thể hi vọng cảnh bình minh rực rỡ trên đỉnh núi để mà có động lực dậy sớm. 7h sáng, trưởng đoàn gọi mọi người dậy lần hai và yêu cầu mọi người quyết định xem đi tiếp lên đỉnh hay xuống núi, vì cơn mưa vẫn không ngớt. Đi tiếp là quyết định ngay lập tức của tôi, một lần dang dở ở Rinjani là quá đủ rồi.


Ngày leo núi tiếp theo, tôi quyết định thay đổi góc nhìn của mình. Tôi luôn là người cố gắng nhìn ra xa trong những hành trình leo núi, nhưng có vẻ như tôi sẽ lỗ nặng nếu nhìn ra xa trong chuyến đi này. Cơn mưa tiếp tục phủ Nhìu Cồ San trong làn hơi nước đục mờ. Dưới chân, đất đã nhão thành bùn lún cả đôi giày tôi xuống và rêu trên đá thì trơn trượt khủng khiếp, nhất là khi bước chân lên bằng đôi Adidas đầy chủ quan của tôi. Hóa ra, khi không thể nhìn xa thì nhìn thật gần cũng rất thú vị. Thảm thực vật của một vùng núi nhiệt đới ẩm luôn ẩn chứa những điều nhỏ bé mà buộc bạn phải thật chú ý, thật tinh tường để nhận ra vẻ đẹp của nó. Dưới cơn mưa, rêu phong như rực lên một sức sống kì quái, chúng lao ra bò bám trên những cây đỗ quyên cổ thụ, như thách thức và muốn nuốt trọn lấy cả khu rừng. Rêu phong ẩm ướt và dày đặc, rủ cả ra khỏi cành cây, trông như những cái kén xanh nâu kì quái. Đám rêu phong ấy, cùng với đoạn rừng đỗ quyên ngay trước đoạn đường lên đỉnh thực sự là khu rừng kì ảo nhất mà tôi từng đi qua. Trong làn sương trắng mờ, từng thân cây đỗ quyên uốn éo, đan cài vào nhau hỗn độn, cây nào cây nấy đầy rêu phong như thể chúng đã ở đó cả trăm năm. Chúng làm mỗi bước chân, mỗi cái chạm tay của tôi đều rón rén vì sợ sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái lâu đời ấy.


Rêu phong bám đầy trên rừng cây đỗ quyên

Thời tiết ẩm ướt trở thành môi trường lí tưởng cho nấm sinh trưởng




Vẻ đẹp khi nhìn gần của Nhìu Cồ San, cái đẹp mà tôi sẽ không thể thấy nếu giữ thói quen phòng tầm mắt ra xa của mình. Chụp bởi chị Huyền.


Năm phút sau khu rừng đỗ quyên là tới đỉnh núi. Đỉnh núi chẳng có gì ngoài một cái chóp tam giác đánh dấu và làn mây mờ trắng cả quang cảnh xung quanh. Cảm giác hoàn thiện dâng lên trong lòng tôi, không quá xuất sắc nhưng tôi đã hoàn thành hành trình của mình. Tôi đã không còn là người nuôi kì vọng cho đã rồi khi thực tế không được như mong đợi thì hậm hực, đành hanh, đầy cáu bẳn như trước. Cái đỉnh núi trắng mờ chẳng có gì ngoài giá lạnh ấy dạy tôi biết hài lòng, có những điều không thay đổi được thì hãy vui vẻ với nó. Bước chân tôi trở về đã vui vẻ hơn, cởi mở với mọi người hơn.


Và rồi, không biết có phải vui quá hay không mà bước chân ấy bắt đầu...ngã. Đôi giày rõ ràng là không dùng để leo núi, lại đang bị bùn che phủ, gặp phải đoạn suối trơn trượt thì bắt đầu té ngã. Tôi ngã không biết đến bao nhiêu lần: ngã trên đá, ngã trên suối, ngã vào bùn đất, ngã sấp ngã ngửa. Cái quần trắng bắt đầu chuyển sang màu đen vì dính đầy bùn sình. Tệ nhất là cổ chân và đầu gối trái, những chỗ từng bị chấn thương của tôi bắt đầu đau và sưng tấy lên. Cơn đau âp đến là báo hiệu của một chặng đường xuống núi không đơn giản, nhất là trong điều kiện thời tiết và địa hình của ngày hôm đó.


Ngay trước khi ngã lăn ngã lóc




Sau giờ ăn trưa, tôi bắt đầu đi như một người tàn tật. Cây gậy leo núi vốn ban đầu cầm chơi cho vui, giờ đã thực sự thay cho cái chân trái của tôi. Đoạn đường đi xuống vừa dốc vừa trơn khiến tôi muốn khóc khi nhìn thấy. Tôi cười vào cái thân tôi đã kiêu ngạo, coi thường ngọn núi này. Tới 3h, chân trái tôi trở nên rất yếu và phụ thuộc vào em Toàn, một người bạn trong đoàn mà trước đó tôi gần như không giao tiếp với. Không biết bằng lòng tốt phi thường cỡ nào, mà bạn sẵn sàng cho tôi mượn cánh tay để vịn lấy mỗi một cú bước khó, lấy chân mình để ghì cho tôi khỏi ngã và đỡ tôi đứng dậy mỗi lần ngã. Những người bạn đồng hành trong top cuối của tôi cũng đã có một buổi chiều khó khăn. Em Nghĩa quyết định xuống dốc bằng mông vì chân đã quá yếu. Mỗi lần nhìn thấy thằng bé là tôi lại thấy thương vì em ấy đã có hành trình leo núi đầu tiên quá vất vả mà lại không hưởng thụ được nhiều cảnh đẹp. Chị Hạnh, chị Thảo, chị Duyên thì nương vào nhau mà đi, các chị cũng đau chân và ngã nhiều như tôi vậy. Lúc này có bánh kẹo trong người mới thật giá trị. Giữa những lúc nghỉ chân, chúng tôi chia nhau miếng bánh, cái kẹo, giúp nhau lấy chai nước và bông đùa về tình trạng của mỗi người. Tôi đã rất vui vẻ. Tôi đã không còn là con bé ném gậy vào người dẫn đường và đổ lỗi cho anh ta đã làm tôi kiệt sức. Thay vào đó, tôi thành người biết chuẩn bị bánh cho mình, vui vẻ khi té ngã và biết ơn vì được giúp đỡ. Nghe đơn giản thế thôi nhưng đó là tổng hợp của rất nhiều hành trình tôi đã trải qua để nhận ra sự xấu xa của bản thân và học cách xử lí nó, trở thành một người tốt hơn.


Tôi không thể ngờ rằng, "ngọn núi đơn giản" mà tôi từng nghĩ khiến tôi phải đi trong rừng tối lần thứ 2, sau Langtang ở Nepal. 5h chiều, nhìn màn đêm dần buông xuống, tiếng thông báo còn 1 tiếng rưỡi nữa mới tới bãi xe ôm, tôi lại thở dài. Xong rồi, lại đi trong rừng tối rồi. Vì từng đi trong rừng rồi, tôi không cảm thấy sợ nữa, chẳng chết được đâu mà, tôi nghĩ. Ăn thêm cái bánh, uống ngụm nước, động viên em Nghĩa đang vừa run vừa tái mét ở bên cạnh, tôi theo người dẫn đường mới lò dò đi trong ánh sáng nhập nhoạng cuối cùng của ngày. Tôi cố trò chuyện với người bạn mới, nếu không xung quanh chỉ vang lên tiếng lép nhẹp của giày dép dẵm phải bùn sình. Người bạn mới nhanh chóng chỉ còn là cái bóng, mà nếu không nói chuyện, chắc tôi sẽ bước nhầm theo một cái bóng nào khác trong sự nhá nhem đó mất.


Trước khi tôi đánh rơi mất sự vui vẻ của mình thì tôi đã ra được khỏi rừng. Nghĩa cũng theo ngay sau tôi khiến tôi đỡ lo lắng. Tiếng những chiếc xe tay côn của mấy anh bạn dân tộc làm tôi phấn chấn. Hành trình Nhìu Cồ San của tôi khép lại sau thêm khoảng 30 phút ngồi xe côn chạy qua mép vực, qua bãi đá, qua một vài con cầu không có thay chắn, trong bóng đêm mù mịt và cơn mưa cuối cùng của hành trình. Tôi vẫn lì lợm nghĩ rằng chẳng chết được đâu, dù những vòng bánh xe sát bên mép vực tối om thực sự làm tôi thót tim. "Phải lái sát mép vực chị ạ, vì ở giữa sình lầy quá, ngã mất" - anh dân tộc lái xe cho tôi, 20 tuổi một vợ hai con, giãi bày.


Nhìu Cồ San khép lại, không bằng sự tán thưởng của tôi cho một khung đẹp như tôi vẫn luôn như vậy sau mỗi lần leo núi. Thực tế tôi cũng chẳng chụp lại được nhiều hình vì gần như chỉ có mây trắng mờ. Nhưng Nhìu Cồ San khép lại bằng việc tôi nhận ra mình đã thay đổi. Tôi đã là một người vui vẻ dù phải bước đi bằng một cái chân đau, với số lần ngã kỉ lục trong đời và một khu rừng tối. Tôi không còn là người bỏ cuộc ở Rinjani, người bực bội đổ lỗi cho người khác vì chuẩn bị không tốt cũng ở Rinjani, người liên tục hỏi "bao giờ tới nơi/ còn bao xa" ở Kinabalu, hay người khóc lóc vì nghĩ mình sắp chết trong rừng tối ở Langtang. Những ngọn núi đã vạch trần sự xấu xí trong tôi, dạy tôi cách thay đổi và giúp tôi nhận ra tôi đã trở nên tốt hơn như thế nào sau rất nhiều những hành trình.


Đôi khi sau rất nhiều nỗ lực, điều mình nhận lại không phải điều mà mình mong muốn khi bắt đầu. Nhưng cũng không phải điều gì đáng thất vọng vì cuộc đời mình là một chuỗi những hành trình nối tiếp nhau, mà nhiều khi cần nhiều hành trình cộng lại mới có thể đạt được một điều lớn lao hơn cả kì vọng của chính mình.


Nhìu Cồ San, Lào Cai, Nov 2021

1 comentario


Dương Nguyễn
Dương Nguyễn
23 may 2023

Chúc mừng chị Linh nhé^^

Me gusta
bottom of page