7 ngày leo núi ở Langtang - Phần 2: Bỏ cuộc hay không bỏ cuộc và những ám ảnh Langtang
- Lynnie Bailey
- Jan 19, 2019
- 15 min read
Updated: Jan 20, 2019
"Tôi đã đứng giữa giấc mơ của mình, giấc mơ về những ngọn núi trắng thật gần dù còn rất xa và rất khó khăn để tới được mục tiêu lớn nhất của tôi. Nhưng nhiêu đó thôi đã quá đủ cho một ngày cuối tháng 12, cuối tuổi 23 tuyệt vời mà tôi đã có. Một tuổi 23 mà mọi buồn và vui, lên và xuống, bỏ cuộc và không bỏ cuộc đều đạt đến cực điểm của trọn vẹn..."

Tsergo Ri Peak (5000m): Giấc mơ về những ngọn tuyết sơn. Bỏ cuộc và không bỏ cuộc.
Ngày thứ năm bắt đầu bằng việc tôi bị bỏng miệng do phải đánh răng bằng nước nóng, lí do không thể khôi hài hơn là vì nước suối và các vòi dẫn nước đã bị đóng băng hết nên phải dùng nước nóng dự trữ từ đêm trước. Tôi lè lưỡi giữ nguyên cái miệng đầy bọt ngồi co ro ngoài sân chờ nước nguội rồi bật cười với tình huống của mình. Mong là chặng đường ngày hôm nay cũng vui vẻ như thế.
Từ Kyanjin Gomba lên đỉnh Tsergo Ri không còn ngôi làng nào nữa, đồng nghĩa với việc sẽ không có chỗ nghỉ chân buổi trưa. Tự biết tốc độ của mình không thể quay về làng sớm trước 3 giờ chiều, tôi nhờ chủ nhà gói cho ít khoai và trứng luộc để ăn dọc đường đi, không quên nhắc Hiếu cầm theo một ít vì anh sẽ đi nhanh hơn tôi. Bụng đói là một việc rất đáng sợ khi đi núi. Bấy giờ đã hơn 3900 m và tôi cảm thấy mệt ngay từ những bước chân đầu tiên, dù một tiếng đầu tiên không quá dốc. Nhưng sau khi băng qua con sông băng thì thử thách mới thật sự bắt đầu.
Tôi và Hiếu đã mơ mộng rất nhiều về một dòng sông băng nước chảy trôi lững lờ những phiến băng to to giữa hai bên tuyết sơn trắng xám. Nhưng sự thật là ở hạ nguồn thì không đủ lạnh để đóng băng còn thượng nguồn thì không đủ nước để có cảnh lững lờ kia. Tuy thế thì dòng sông băng cạn queo ấy cũng thật là đẹp. Tôi khoái chí chọc chọc cây gậy xuống lớp băng, lọ dọ đặt chân lên từng mẩu đá nhô lên, ấy vậy mà vẫn thụt chân xuống nước lạnh cóng để rồi reo lên khe khẽ và cười như một đứa trẻ. Sau khi vượt qua sông băng, đoạn đường tới Tsergo Ri trở nên dốc đứng. Không còn thung lũng nào che chở nữa, tôi men theo mặt dốc một con núi, đặt từng bước chân trên con đường hẹp để tiến dần lên trên. Mặt trời dần lên cao và trời bắt đầu ấm dần nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu. Cứ mỗi năm, mười phút tôi lại phải dừng lại thở một lần vì thiếu oxy hay cởi áo ra rồi lại mặc áo vào do người lúc nóng lúc lạnh.


Cả hành trình của tôi, ngày hôm ấy là khó khăn nhất và đẹp nhất. Lọ mọ mãi, hết ăn trứng ăn khoai rồi lại uống trà, uống mass, tôi cũng lên được tới cạnh chóp của một ngọn núi. Từ ấy nhìn xuống hai bên là thượng nguồn dòng sông cuồn cuộn bên tôi mấy ngày qua. Không hiểu sao tôi luôn tò mò về thượng nguồn mỗi lần nhìn thấy sông suối. Những dòng chảy dữ dội, những con sông dồi dào nước rốt cuộc bắt đầu như thế nào? Dòng suối nước nóng dưới Syabru Besi, lên cao lại biến thành dòng nước xanh lơ cuồn cuộn và lạnh ngắt có khởi nguồn như thế nào? À thì ra là đây. Giữa muôn trùng những dãy núi, thượng nguồn sông Langtang giản đơn như một sợi chỉ mảnh màu trắng đục, uốn éo không ngừng qua các kẽ đá, vỡ òa ra ở một vùng trũng rộng rãi rồi lại thu hẹp lại theo đường núi bện thắt vào nhau. Nếu đi xa qua Langtang, sẽ thấy cội nguồn của dòng nước từ Tây Tạng. Ngàn dặm xa xôi, biết bao nhiêu gian nan biến dòng nước nhỏ trở thành thác lớn, biến băng giá thành ấm áp, biến lặng yên trở thành dữ dội, biến điều không tưởng thành có thể. Những ngọn núi luôn có triết lí của nó mà chỉ khi dốc hết tâm sức ra tìm kiếm, con người mới có thể thấy được phần nào mà thôi.

Hết đoạn đường cạnh chóp là cột mốc 4700m độ cao. Tôi lệt bệt bước tới, run rẩy và gần như không còn cảm nhận được đôi môi của mình nữa. Hiếu đã tới đó từ bao giờ. Tôi biết anh cũng không còn sung sức như mấy ngày qua. Vì tầm nhìn ít bị cản trở nên dù đi chậm hơn nhiều thì anh vẫn luôn trong tầm mắt tôi; tôi thấy rõ anh dừng lại nhiều hơn, việc hít thở cũng dần trở nên khó khăn với anh và anh có vẻ bần thần hơn hẳn mọi hôm. Chúng tôi ngồi im lặng trên nền đất phẳng rộng lớn, nơi cắm cột mốc 4700m nhỏ xíu và nhìn ra lũ bò Tây Tạng nhởn nhơ phơi nắng gặm cỏ. Giá mà được như lũ bò kia, tôi nghĩ. Nhưng vì chẳng thể biến thành bò, sau 10 phút nghỉ ngơi tôi lại nặng nhọc cất bước hướng về đỉnh Tsergo Ri.
Lúc này trời đã quá trưa nhưng giá lạnh vẫn không ngừng thử thách tôi. Mặt tôi bắt đầu đỏ ửng và phù lên, chẳng khác nào một quả bí ngô cắm trên cái áo khoác vàng run rẩy. Tệ hại nhất là tôi có dấu hiệu shock độ cao, bắt đầu bằng việc cảm thấy đau đầu và đau tai. Đoạn đường sau bãi đất phẳng toàn là đá đen, hòn nào hon đấy to như cái bàn, nằm ngổn ngang suốt cả vùng không gian rộng lớn. Trong cơn đau đầu lại nhìn thấy bãi đá phải đi qua, tôi muốn khóc thét thực sự. Nhưng lạnh quá, nước mắt không rơi nổi, lại chẳng ai có vẻ như sẽ dỗ dành mình, tôi quyết định nén nước mắt lại. Đây là việc mình phải làm. Hít một hơi thật sâu, tôi nắm tay Kumar - anh guide của tôi, rồi bước từng bước ngắn qua bãi đá đen. Đôi bàn chân size 36 khiến tôi ngã lên ngã xuống đến phát bực mình. Không biết đã ngã bao nhiêu lần, dừng lại thở dốc bao nhiêu cơn và tụng kinh bao nhiêu lần câu "I can do it" thì cuối cùng tôi cũng vượt qua bãi đá mà đặt một chân lên cạnh chóp của Tsergo Ri - dốc đứng và chạy một vệt dài ngang bầu trời dẫn đường lên đỉnh núi.


Tôi đoán lúc này độ cao đã vào khoảng 4800m. Cơn đau đầu ngày một tăng khiến tôi bắt đầu chóng mặt và hơi lả đi. Mỗi lần nhắm mắt lại tôi không còn muốn mở ra nữa và không ít lần người tôi đổ xuống khiến Kurma phải lo lắng đỡ cho đứng vững. Trong cơn lảo đảo ấy, giữa mỗi lần nhắm mắt, có một hình ảnh liên tục hiện về trong tâm trí tôi: Đỉnh Rinjnai mà tôi mãi mãi chỉ thấy qua những bức hình. Tôi đã từng bỏ cuộc ở Rinjani khi chỉ còn cách đỉnh 300m độ dài, cũng sau vài ngày không ăn được và cũng trong một cơn lảo đảo như thế này. Sự kiện đó cho đến bây giờ vẫn khiến tôi vô cùng hối tiếc, làm cả hành trình Indonesia của tôi trở nên không toàn diện và khiến tôi thấy kém cỏi. Tôi bỗng thấy sự bỏ cuộc còn khó khăn hơn cả sự cố gắng thêm chút nữa, rồi lại thêm chút nữa... trước cả khi suy nghĩ dừng lại thành hình trong đầu tôi. Ít nhất cất thêm một bước chân nữa, rồi một bước nữa, rồi một bước nữa sau đó dù phải chậm đến mức nào, dù tim đập mạnh đến đâu cũng sẽ không ám ảnh tôi đến gần một năm trời, phải không?
Đỉnh Tsergo Ri cờ bay ngay trước mắt ấy rốt cuộc phải mất đến gần một tiếng rưỡi đồng hồ tôi mới đặt được chân lên. 5000m trên mực nước biển. Việc đầu tiên tôi làm là òa khóc. Khóc ấm ức, khóc tức tưởi, khóc vì choáng ngợp trước thiên nhiên và khóc vì niềm hạnh phúc vỡ bung sau nhịp tim đập mạnh mẽ vào lồng ngực. Kumar ôm chặt lấy tôi như một người anh em và liên tục dặn dò: "Don't cry sister, don't cry. Be happy. You made it". Người đàn ông xa lạ ấy đã nắm tay tôi suốt cả quãng đường gian truân nhất, tin tưởng vào việc một cô gái yếu ớt như tôi sẽ chinh phục được Tsergo Ri và nâng tôi dậy mỗi lần ngã xuống. Được Kumar làm mountain guide là cả một sự may mắn với tôi. Tôi ngồi thụp xuống nền đất giá lạnh và khóc cho hết những nỗi buồn, những chịu đựng của cả một năm qua. Thật là đã đời, những giọt nước mắt đã phải kìm nén quá nhiều ấy.
Đỉnh Tsergo Ri giăng đầy cờ Tây Tạng đủ màu sắc. Những lá cờ nhỏ bay kiêu hãnh giữa nền núi xung quanh trắng xám tạo nên một khung cảnh ngược sáng rực rỡ. Cũng phải thôi, tôi nghĩ, ai lên được tới đây cũng sẽ thấy rất kiêu hãnh, kể cả những lá cờ. Những dãy tuyết sơn trùng điệp xung quanh đẹp đến thổn thức. Tôi đã đứng giữa giấc mơ của mình, giấc mơ về những ngọn núi trắng thật gần dù còn rất xa và rất khó khăn để tới được mục tiêu lớn nhất của tôi. Nhưng nhiêu đó thôi đã quá đủ cho một ngày cuối tháng 12, cuối tuổi 23 tuyệt vời mà tôi đã có. Một tuổi 23 mà mọi buồn và vui, lên và xuống, bỏ cuộc và không bỏ cuộc đều đạt đến cực điểm của trọn vẹn...

Tối hôm đó, tôi thấy vui vẻ và muốn cởi mở hơn. Tsergo Ri với sự thanh cao, tinh khiết và kì vĩ của nó như thanh tẩy tâm hồn tôi khỏi những tiêu cực đã tích tụ từ cơn mệt mỏi mấy ngày qua. Tôi ăn nhiều hơn, luyên thuyên nói tiếng Hàn học mót với mấy anh Hàn Quốc, vu vơ hát theo giai điệu Tây Tạng "Samdi mai alu" (Con gái, mẹ yêu con) và đùa nhảm nhí về sự không tắm đã gần cả tuần nay của Hiếu và tôi. Khi đã đạt được mục tiêu rồi, người ta rộng lượng hơn, tích cực hơn, mở lòng hơn và dễ tha thứ hơn, nhất là khi người ta phải trải qua quá nhiều gian nan để có được nó. Khi sống trong một giấc mơ đã mơ quá lâu, người ta sẽ biết ơn nhiều hơn, kể cả với những gì người ta từng chối bỏ.
Trở về Syabru Besi: Lần đầu hoảng loạn và những ám ảnh Langtang
Một kế hoạch sai lầm
Sáng hôm sau tôi rời Kyanjin Gomba sớm với mục tiêu đi một mạch xuống núi, về Syabru Besi một ngày sớm hơn dự định. Tinh thần phấn chấn từ hôm trước, lại thêm viễn cảnh tắm nước nóng sau một tuần lăn lóc trong rừng núi, tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì vào khả năng vượt qua gần 30km đường núi mình đã đi ì ạch suốt 5 ngày qua trước khi trời tối. Rời khỏi làng từ 7 rưỡi sáng, tôi lạc quan nghĩ rằng mình sẽ tới Syabru Besi lúc bốn giờ chiều cùng ngày.

Ngày cuối cùng ấy là một sự đảo ngược kì quái của thiên nhiên. Quãng đường mà tôi từng vừa đi vừa lết từ Lama tới Kyanjin Gomba với cả tấn nỗ lực để bình tĩnh và kiên nhẫn nay trở thành một quãng đường yên ả. Tôi có một buổi sáng thong dong, thậm chí vừa đi vừa hát và nhặt lên một nhánh mistletoe nhỏ cầm chơi dọc đường. Như chú thỏ trong truyện ngụ ngôn, tôi quên béng chặng đường dài phía trước và quên mất mình phải tới được Syabru Besi trước khi mặt trời lặn. Không ngờ rằng sự thoải mái quá đỗi ấy chính là một thử thách nữa mà thiên nhiên dành cho tôi, một plot twist vào phút cuối để tôi "ôn bài" những gì tôi tưởng rằng mình đã thấm nhuần được mấy ngày qua.
Quá trưa, chân tôi có dấu hiệu bất thường. Đầu gối, lòng bàn chân trái và dây chằng sau đầu gối bắt đầu ê nhức, hậu quả của 5 ngày leo liên tục và những cú ngã ê ẩm. Nếu bạn có một đôi bàn chân bé, cỡ 36 chẳng hạn, bạn sẽ thấu hiểu nỗi khổ của tôi, một người lỡ mê hoạt động thể chất dùng chân. Leo núi lên thì mệt, xuống thì cực bởi toàn bộ sức nặng của cơ thể khi đó sẽ dồn xuống, gây sức ép lên khớp gối và các cơ chân nên dễ bị chấn thương. Tôi đã đi chậm lại càng chậm hơn. Chỉ tới khi quay về Lama lúc 3 giờ và nhìn mặt trời có dấu hiệu đi xuống, tôi mới bắt đầu nhận ra hoàn cảnh của mình lúc đó. Từ Syabru Besi tới Lama mất 7 tiếng, nghĩa là nếu đi rất nhanh, tôi sẽ tới Syabru Besi lúc 7h tối. Mặt trời sẽ tắt nắng lúc 5h, tôi nhẩm tính...
Chạy chạy chạy!
Tôi từ chối nghỉ lại Lama Hotel đêm đó. Tính lì lợm, tôi không muốn làm khác đi những gì đã lên kế hoạch. Chuyện đó chẳng khác gì một sự bỏ cuộc đối với tôi. Hơn nữa, Hiếu đã đi trước và mang theo balo của tôi, tôi cũng không thể yên tâm để anh tiếp tục đi một mình trong rừng mà không biết anh có thể tới nơi đêm nay hay không. Chẳng có lí do gì để ở lại, tôi xốc balo lên đi tiếp, miệng lại lảm nhảm câu thần chú "I can do it".

4h chiều, rừng không còn một vệt nắng. Đoạn đường trong rừng tối dần và tôi bắt đầu chạy. Xung quanh chỉ có tiếng nước chảy, không một bóng người, tiếng thở dốc của tôi vang rõ trong không gian chẳng khác nào một cảnh phim rượt đuổi với nhân vật nữ chính chạy trong tuyệt vọng. Vừa chạy tôi vừa nhìn về hướng Tây, nơi mặt trời giờ đây chỉ còn lại những vệt tím nhạt và trong phút chốc, tôi bắt đầu không còn nhìn rõ mọi thứ nữa. Tôi vấp vào một phiến đá và ngã, khi loạng choạng đứng dậy định chạy tiếp thì phát hiện ra các ngón tay không gập lại được nữa. Toàn bộ 10 ngón tay đều không cách nào cử động được, chúng phù ra to tướng và đỏ lựng còn ghê hơn cả lúc lạnh nhất trên núi. Tôi hét gọi Kumar với đôi bàn tay run lẩy bẩy và sự hoang tưởng rằng mình sẽ mất cả hai tay mất thôi. Đến giờ tôi vẫn không biết chính xác nguyên nhân nhưng Kumar đoán do xuống dốc nhanh và tôi cứ liên tục buông thõng hai tay khiến cho áp suất máu dồn xuống bàn tay tăng cao, dẫn đến tình trạng nghẽn mạch làm phù to các ngón tay và khó cử động. "Sẽ không sao đâu, nếu em giữ bình tĩnh, đi chậm lại một chút và giơ hai tay lên cao như bác sĩ phẫu thuật. Hãy tin anh. Anh biết đường kể cả khi không nhìn thấy gì nữa", Kumar nói. Trong cơn hoảng loạn, tôi biết rằng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tin tưởng người bạn đường này.
"What the hell is that?"

Đi như bác sỹ phẫu thuật được một lúc thì tôi cảm nhận được những ngón tay của mình. Tôi bớt hoảng loạn vì sợ mất tay nhưng ngay sau đó tiếp tục bị hù cho chết khiếp. Trời 6h tối thì đã tối hẳn nhưng để tiếp kiệm 12% pin điện thoai còn sót lại, tôi chưa bật đèn pin lên ngay. Trong bóng tối bỗng từ đâu xuất hiện bóng đen thù lù và tiếng leng keng được núi rừng vọng lại. Leng keng...leng keng... Kumar đột nhiên nói tôi lùi lại sau lưng anh và anh giật cây gậy khỏi tay tôi khua khoắng phía trước.
"What the hell is that?" - tôi run run hỏi.
"Just a Yak".
Và cái gọi là "con bò thôi ấy mà" chắn nguyên cái lối đi hẹp sát một bên núi một bên vực mà tôi phải đi qua. Kumar đành kéo tay tôi đạp lên đoạn dốc trượt xuống vực một chút để vòng qua con bò leng keng ấy vì nó vẫn nhất quyết đứng đó. Sau con bò thì tôi bắt đầu liên tục nhìn thấy những cái bóng lạ lạ, xám xám hoặc trắng đục. Tôi hay hỏi Kumar có nhìn thấy gì kia không thì chỉ nhận về câu trả lời "chẳng có gì hết, đừng lo". "Đừng lo" có lẽ là lời trấn an vô tác dụng nhất trong tính huống của tôi vì tôi có lo đâu, tôi chỉ hoảng loạn thôi!
"Chẳng có cây cầu nào hết!"
Kurma nói còn một tiếng nữa là về đến làng, sau khi chúng tôi qua được cây cầu vỡ. Tôi rùng mình nhớ đến cây cầu với vách chắn vỡ làm đôi sang hai bên ấy. Ban ngày nhìn rõ còn sợ trượt chân xuống dòng nước cuộn siết kia chứ nói gì đến chuyện mò mẫm trong bóng đêm. Tôi ghim vào đầu rằng cây câu vỡ là dấu hiệu của việc sắp về tới Syabru Besi, rằng tôi sẽ sống, sẽ làm được. Nhưng gần 1 tiếng sau đó, tôi không thấy bất kì cây cầu nào hết. Bóng đêm mù mịt và lạnh, Kumar liên tục vẽ ra hình ảnh một cây cầu phía trước, những cái bóng kì quái cứ hiện ra rồi biến mất. Không thấy cây cầu nghĩa là không thấy cơ hội sống qua vùng núi này, tôi bắt đầu hoảng loạn trở lại và lại chạy, nhưng không được. Đầu gối đã quá đau và tôi không thể ép chúng hoạt động mạnh thêm nữa.
"Chẳng có cây cầu nào hết. Anh đang lừa tôi đúng không?", tôi hét lên và ném luôn cây gậy xuống vực.
"Nếu anh lừa em thì em giết anh luôn cũng được", Kumar cười cười và nói rất bình thản trong bóng đêm.
"Tôi sẽ chết trước khi giết được anh mất", tôi nghe rõ cả tiếng thổn thức của mình.
Gần 40 phút mong chờ cái cầu trong bóng tối đã ám ảnh những giấc mơ của tôi rất nhiều ngày sau đó. Tôi liên tục mơ thấy cảnh hoảng loạn dùng ánh mắt bới móc bóng đêm và tập tễnh lết trong cái lạnh hòng kiếm một cây cầu vỡ. Rất nhiều lần kể cả khi đã trở về thành phố, tôi vẫn bắt gặp mình bật dậy giữa giấc ngủ và hét thành lời "Chẳng có cây cầu nào hết". Tôi sẽ không thể bình tĩnh trở lại nếu không vô tình ngẩng mặt lên trời trong một phút tuyệt vọng và nhìn thấy bầu trời sao của ngày cuối cùng ấy. Langtang trấn an tôi bằng một bầu trời cao và rộng phủ kín bằng những ánh sao mà tôi vẫn luôn yêu thích. Phải rồi, vẫn là Langtang đã che chở tôi mấy ngày qua, vẫn là Langtang ưu ái cho tôi sau mỗi lần mất mát. Langtang sẽ đưa tôi về Syabru Besi an toàn nên hãy cứ thưởng thức nốt sự chiêu đãi cuối cùng này của nó đi.

Đèn điện thoại buộc phải bật lên từ cây cầu vỡ nhưng cũng chỉ đủ soi rõ nên đặt chân vào đâu. Thế có khi lại là một điều may, tôi nghĩ, nếu phải nhìn thấy dòng nước sâu hút phía dưới và hai bên vách vỡ đôi tôi sẽ lại hoảng loạn mất. Đoạn đường từ sau cây cầu về Syabru Besi mất thêm gần 1 tiếng nữa và đó là đoạn đường bình tĩnh nhất cuộc đời tôi. Tin tôi đi, bạn chỉ có thể nói thế khi bạn đối mặt với nỗi sợ hãi đến ám ảnh của mình nhưng vẫn có thể bước đi vững vàng, cười nói trở lại và tận hưởng cái đẹp. Langtang đã thực sự đưa tôi trở về Syabru Besi an toàn và ưu ái cho một đứa bé xấu tính như tôi, đứa bé đã quên đi bài học kiên nhẫn và chịu đựng để rồi quăng gậy và gào thét như năm nào. Với tất cả sự dịu dàng ẩn sâu trong những khối núi khổng lồ, Langtang nhấc khỏi đầu tôi những ám ảnh mà chính nó mang lại, để nhắc nhớ cho tôi việc phải làm như một ông giáo kiên nhẫn dạy lại cùng một bài học hai, ba lần.
Tôi đẩy cửa vào Namaste Hotel trong sự ngỡ ngàng của toàn bộ khách hôm đó. Hiếu đã về an toàn và ngồi cũng David, người bạn mới của chúng tôi những ngày sau đó. Tôi có thể nhìn thấy sự sững sờ của mọi người khi trông thấy một người thê thảm, xấu xí và chắc là hôi rình bước qua cửa từ bóng đêm rồi lặng lẽ bước ra sau nhà với vỏn vẹn một câu chào. Tôi ngồi im run rẩy ở một bậc thang, muốn nôn nhưng bụng không còn gì để nôn. Sống rồi, tôi nghĩ, nhưng vẫn không làm sao xua đi sự run rẩy kia. Cho đến khi cầm nĩa ăn miếng thịt đầu tiên trong 7 ngày, tôi vẫn rất khó khăn để giữ cho dao nĩa tử tế mà cắt thịt. Đêm hôm đó, tôi tỉnh giấc nhiều lần và cảm thấy mê man giữa những cảnh chớp nhoáng về màn đêm, con bò Yak, những cái bóng và một cây cầu tìm mãi không thấy...
Kết
Và Langtang của tôi đã khép lại như vậy, dữ dội nhưng ý nghĩa đến phút cuối cùng. Khi lựa chọn Langtang, tôi không thể ngờ rằng mình lại trở thành một quân cờ nhỏ trong ma trận cảm xúc và suy nghĩ mà vùng núi ấy giăng ra cho tôi, ám ảnh tôi đến tận bây giờ và rất có thể là mãi mãi sau này. Tôi đã bắt đầu bằng sự hào hứng ngây thơ, được Langtang dạy cho bài học về sự kiên nhẫn rồi ngay sau đó đưa tôi vào sự xúc động trước mất mát của nó để tôi biết mình nhỏ bé trước thiên nhiên đến nhường nào. Langtang trao cho tôi một phần kì vĩ của nó như một món quà cho người không bỏ cuộc, để tôi biết bỏ cuộc mới chính là việc khó khăn hơn cả. Và khi tôi tưởng rằng mình đã hiểu thấu, đã ghi nhớ những điều đã được khai sáng ở Langtang, thì nó bồi thêm cho một "plot twist" ngoạn mục, như nhắc nhớ tôi rằng, chưa đâu Linh, con người sẽ mãi mãi là đứa bé con ngỡ rằng mình đã biết tất cả, ngỡ rằng mình sâu sắc nhưng trước thiên nhiên này thì chẳng là ai cả. Sự khiêm tốn là bài học cuối cùng của tôi ở Langtang.
Sau Langtang tôi sẽ lại có những giấc mơ dài. Về vùng núi ấy và cả về những vùng núi khác mà chắc chắn là đôi chân size 36 này sẽ không ngừng tìm kiếm. Tôi sẽ mãi mãi mang theo trong hành trang của mình những bài học từ Nepal năm ấy trong mọi hành trình về với thiên nhiên của mình. Còn bây giờ, hãy cứ để tôi được ám ảnh, được sống trong những kí ức với Langtang và được viết lại một đoạn kết rực rỡ cho tuổi 23 của mình.

Langtang, Nepal 2018
Comments