top of page

7 ngày leo núi ở Langtang Phần 1: Không nổi nóng - Thung lũng của những người nằm lại

  • Writer: Lynnie Bailey
    Lynnie Bailey
  • Jan 12, 2019
  • 11 min read

Đã tròn 1 tuần kể từ khi tôi bước chân lên chiếc xe đò rời Langtang để quay về Kathmandu và sau đó là về Việt Nam. Trong suốt 1 tuần đó, tôi không ngừng suy nghĩ về Langtang, về những gì đã xảy ra, đã nhìn thấy, đã cảm nhận được và kể cả khi quyết định viết lại trải nghiệm này, tôi không chắc mình có thể viết hết được những gì mà tâm thức tôi mới chỉ lơ mơ nhận thấy chứ chưa thể suy nghĩ hết để chạm được đến tận cùng sâu sắc của vùng núi hoang sơ, hùng vĩ nhưng đầy những dấu vết của đau thương và mất mát mà tôi đã may mắn đi qua. Tôi sẽ còn suy nghĩ nhiều và suy nghĩ rất lâu để có thể giãi bày hết bằng việc viết lách nhưng thôi thì hãy cứ để Langtang xuất hiện ở đây, lần thứ nhất, như một nơi hoang dã đã bao bọc và ưu ái quá nhiều cho một cô bé như tôi. Những gì buồn đau và thống khổ nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ, hay những gì sâu xa hơn gần như một triết lí, xin được giãi bày ở một bài viết khác.

Đôi nét về Langtang


Langtang là vùng núi giáp Tây Tạng, chếch về hướng Đông Bắc thủ đô Kathmandu của Nepal. Từ Kathmandu, bắt xe đò đi chừng 7 tiếng thì tới làng Syabru Besi thuộc rừng quốc gia Langtang và cũng là nơi bắt đầu hiking của phần lớn mọi người. Langtang nổi tiếng với hồ Gosaikunda (diện tích 14ha), đỉnh núi Kyanjin Ri (4773m), Tsergo Ri (5000m), gấu trúc đỏ... và địa hình thung lũng đa dạng. Langtang cũng là nơi giao thoa văn hóa thú vị giữa Nepal và Tây Tạng, nơi mà mỗi điểm nghỉ chân bạn có thể ngồi quanh bếp lửa, lắng nghe tiếng đàn Tami yen và nghĩ xem hôm nay ăn đồ nước nào.


Không có nhiều ngày nghỉ, lại chưa leo núi quá dài ngày bao giờ, Langtang vào một ngày mùa thu nóng nực ở Sài Gòn đã trở thành sự lựa chọn của tôi. Một hành trình leo núi 7 ngày nhanh chóng được vẽ ra với tất cả cảnh báo về sự lạnh giá của mùa đông trên núi, chứng shock độ cao với một người chỉ mới chớm quá 4000m nhưng hăm hở plan tới 5000m, 1 tuần không tắm rửa, nhưng chẳng cách nào ngăn đi sự mơ mộng quá đỗi màu hồng của tôi về những ngọn núi tôi gửi gắm đam mê của mình. Trước giáng sinh 2018 ba ngày, hành trình của tôi bắt đầu.


Syabru Besi (1460m) tới Lama (2505m): Một quãng đường yên ả


Day 1, tôi rời Kathmandu từ sáng sớm sau khi ăn không nổi một cặp bánh Nan chấm soup cà ri hành trên một chiếc xe đò xập xệ và bẩn thỉu. Thung lũng Kathmandu bụi mờ mịt phía sau chẳng kịp để lại ấn tượng gì trong tôi ngoại trừ sự nhộn nhạo và hệ thống giao thông kinh hoàng. Và với tư cách là một phần của hệ thống giao thông ấy, chiếc xe đò chứng tỏ mình không thua chị kém em về độ kinh hoàng của riêng nó và của cung đường đi nói chung. Hãy tua nhanh qua đoạn này, đơn giản là tôi đã...nôn miệt mài 7 tiếng đồng hồ và Hiếu, người bạn đồng hành gai góc ngồi cạnh không ít lần giật mình hay khe khẽ hít vào một hơi dài đầy thoảng thốt. Tôi tới Syabru Besi trong buổi chiều cùng ngày, yên tĩnh, trong lành và giản đơn một cách bất ngờ, trái ngược hẳn với chiếc xe đò màu mè, oang oang tiếng nhạc Nepal và ngai ngái mùi khó chịu.

Syabru Besi trong một buổi chiều đông yên tĩnh - Taken by Hieu

Day 2 có lẽ là ngày yên ả nhất trong hành trình của tôi, dù đi từ 1460m lên 2505m không phải một điều dễ dàng. Men theo con sông đi ngược về thượng nguồn ở Tây Tạng, tôi cất những bước chân đầu tiên tiến vào địa giới của Langtang với ba cây cầu, một trong số đó vỡ toác vách chắn làm đôi sang hai bên. Những chiếc cờ nhỏ đầy màu sắc của Tây Tạng bay trong gió cùng tiếng nước chảy ẩm ầm dưới chân khiến bước chân còn đầy sự hào hứng trong ngày đầu tiên của tôi trở nên rạo rực hơn. Ở độ cao dưới 2500m, rừng cây chưa biến đổi hoàn toàn về kiểu rừng lá kim đặc trưng của những vùng khí hậu lạnh. Cây cối và những bóng núi vẫn che mát phần lớn quãng đường tôi đi và 2 độ C không phải là một điều kiện quá tệ để leo núi. 3 giờ chiều cùng ngày, tôi tới được Lama Hotel của một cặp vợ chồng người Nepal lớn tuổi, chặng nghỉ chân thứ 2 của tôi.


Một góc căn bếp đón chọn nắng chiều của Lama Hotel

Lama Hotel là chặng dừng chân mà tôi yêu thích hơn cả. Gọi là Hotel những thực chất chỉ là một căn nhà gỗ đơn sơ với phần phòng ngủ và nhà bếp riêng biệt trên một khoảng sân chan đầy ánh nắng hoàng hôn rực rỡ của một buổi chiều đông. Căn bếp đón khách bằng ngọn lửa ấm áp, bác gái bỏ thêm 1 nhánh cây rừng khiến không gian nhỏ tràn ngập một mùi hương lạ lẫm. Cửa sổ căn bếp quay về hướng tây, đón trọn những tia nắng chiều cuối cùng và trong ánh nắng ấy cùng chút khói mờ tỏa ra từ bếp lửa, cùng cả mùi hương rừng và sự ấm cúng, tôi ngồi ăn khoai tây luộc khoan khoái để mọi giác quan của mình tận hưởng cảm giác bình yên. Sự bình yên mà tôi đã ghi nhớ rất lâu, cất giữ thật kĩ để lấy làm của báu cho những ngày dữ dội nhất trước mắt.


Lama (2505m) tới làng Langtang (3500m): "Your patience when you have nothing defines who you are"


Ngày thứ 3 là một ngày dài.


Buổi sáng tôi bắt đầu sớm do ý thức được tốc độ leo và sự nhởn nhơ của mình. Phần lớn thời gian của buổi sáng tôi thong dong trong rừng, tận hưởng những gì trong trẻo nhất của vùng thiên nhiên hoang vắng, chẳng có mấy người qua lại. Chuyến đi vào mùa thấp điểm khiến tôi chẳng gặp thêm được nhiều người có cùng sở thích nhưng đổi lại, cả khu rừng cả núi non như của mình tôi. Mùa đông lạnh giá khiến những ngón tay tôi nhanh chóng phù lên đau buốt, hai bàn tay gộp lại vừa đủ một nải chuối nhưng trời đất bù lại cho tôi một bầu trời cao rộng và xanh ngắt, quá lí tưởng cho tầm nhìn khi leo núi . Trong nửa ngày hôm đó, tôi ngây thơ nghĩ rằng mọi sự sẽ mãi như vậy thôi, sẽ mãi bước chân bên bờ sông xanh lơ ấy, sẽ mãi bước dưới những tán mistletoe trái đỏ mọng, sẽ mãi vừa đi vừa nhặt lên trái thông khô. Chẳng có khó khăn gì hết, thật hạnh phúc!


Dòng sông Langtang khúc hạ nguồn xanh lơ và dữ dội

Tam giác ngược mở ra một phần nhỏ dãy Himalayas

Nhưng tất nhiên leo núi chẳng bao giờ là dễ dàng, nhất là ở một vùng núi như Langtang. Quá trưa, khu rừng mát lành lùi tít ra xa, trơ lại con đường sỏi đá cằn cỗi. Tôi nhỏ tí đi giữa không gian nâu vàng màu đất, nắng chiếu gay gắt trên đầu và hai bên là vách núi sừng sững. Chẳng còn bóng cây nào nữa hóa ra lại là một điều hay ho. Dãy Himalayas hiện ra kì vĩ giữa khoảng không tam giác ngược mà hai vách núi song song trước mặt tạo ra. Những đỉnh tuyết sơn mới hôm qua thôi còn quá xa xôi để con bé tôi phải kiễng chân hết cỡ, tay giơ cao điện thoại hòng chụp được cái ngọn trắng mờ ảo, thì nay đã thành những dãy dài tít tắt về chân trời. Khao khát của tôi ở đó, niềm yêu thích gần như một đam mê của tôi ở đó. Tôi đã liên tục nghĩ như vậy mỗi lần cúi đầu xuống thở dốc, để rồi lại ngẩng lên, hướng mắt về khao khát của mình.


Quá 3000m một chút, tức là đã quá cả Fansipan, tôi bắt đầu đuối sức. Hậu quả của những ngày di chuyển và không ăn uống nổi, cũng như 7 tiếng say xe bắt đầu đổ ra cùng một lúc. Là một người có chế độ ăn nghiêm ngặt, việc đột ngột phải ăn quá nhiều tinh bột và thiếu protein hành hạ tôi không ít. Mùi cà ri đặc trưng của Nepal mà tôi phải ép ăn mấy ngày qua trở nên một nỗi ám ảnh khi tôi bắt đầu chóng mặt và đói nhanh chóng. Hai giờ chiều, cơ thể tôi bắt đầu phát ra những báo động của việc thiếu năng lượng, tựa như một cái máy sắp cạn pin và liên tục nhấp nháy đèn đỏ. Thung lũng Langtang còn quá xa khiến tôi bất lực và tức tối. Với khoảng cách ấy, phải ít nhất 2 tiếng nữa tôi mới tới làng và có thể kết thúc ngày, tôi nghĩ.


Cách đây 8 tháng, tôi leo Rinjani, 3763m trên mực nước biển ở đảo Lombok, Indonesia. Tình trạng khi ấy của tôi hệt như bây giờ: đói, yếu, mất kiên nhẫn và bực tức. Tôi khi ấy đã có dịp chứng kiến bản ngã của mình: chửi bới, nhiếc mắng guide vì sự chuẩn bị không kĩ và thiếu kinh nghiệm của anh ta đẩy tôi và đám bạn vào hoàn cảnh khó khăn, hay ném đồ đạc và phải rất kiềm chế để không... đấm người. Ừ, bạn có thể nghĩ tôi là người ghê gớm và đúng là tôi chẳng hiền lành gì nhưng chính tôi cũng không thể ngờ rằng khi bị đẩy vào sự bất lực, mình có thể trở thành một người kinh khủng đến thế. 8 tháng sau, khi tiếp tục đối mặt với sự bất lực và giận giữ, việc tôi làm đầu tiên, là nhớ lại Rinjani. Việc thứ hai, là nghĩ tới 4 ngày trước mắt. Việc nổi nóng ở Rinjani gần như đã hủy hoại hết mọi sự tốt đẹp mà đáng ra tôi phải tận hưởng với sở thích của mình, suýt chút nữa bỏ rơi bạn bè và cận kề với sự từ bỏ leo núi. Nếu bây giờ không làm được, nếu bây giờ nổi nóng, tôi sẽ được gì? Chẳng được gì. Nghĩ vậy, tôi ngồi lại, lôi kẹo ra ăn, hướng mắt về Kyanjin Gomba của ngày mai, ngày mai nữa và đi đến một suy nghĩ, một kết luận lớn trong hành trình này: việc gì phải làm, thì phải làm. Rốt cuộc, ai đã chọn bước đi, ai đã chọn hành trình này? Chính là tôi. Vậy nổi nóng với ai, bất lực với ai? Phải đến được thung lũng Langtang trước khi mặt trời lặn, đó là việc tôi phải tự làm lấy, không có ai giúp đỡ hay làm thay tôi được.


Nghe thì đơn giản đấy, nhưng chẳng tự dưng mà có câu "Your patience when you have nothing defines who you are". Suốt hai tiếng còn lại của ngày hôm ấy, tôi đi trong im lặng. Không hỏi còn bao xa, còn bao lâu, không xem đồng hồ, không than thở. Bởi những điều đó không còn quan trọng nữa khi tôi có mục tiêu và biết rõ phải làm như thế nào. Sức ép về thời gian và khoảng cách trở thành thứ thừa thãi so với sức ép "phải làm được" ở bản thân. Ngày hôm ấy, tôi đã lần đầu tiên được Langtang tặng cho "sự kiên nhẫn" có thể phần nào định nghĩa lại sự dữ dội trong mình.


Thung lũng Langtang

Bốn giờ chiều, tôi tới được cổng làng. Hiếu đã tới từ một tiếng trước và đứng nhìn tôi tập tễnh bước tới sau cú trượt ngã ở đoạn sông băng gần đó. Tôi chỉ có thể đáp gọn lỏn những câu hỏi thăm của anh, một phần vì mệt không thể thở nổi và phần vì run rẩy do giá lạnh. Tôi chui vào căn bếp của chủ nhà, rồi thẫn thờ nhìn lửa cháy. Tôi không thể nghĩ gì, không muốn giao tiếp với ai, không có bất kì cảm xúc gì trước bếp lửa ấy, chỉ ngồi yên bất động tựa như chưa hoàn hồn sau quãng đường hôm đó. Chỉ đến khi vài người hàng xóm kéo tới mang theo cây đàn Tamiyen và đánh lên những khúc ca tự do của núi rừng, tôi mới choàng tỉnh khỏi cơn thất thần mà quay trở lại là tôi phần nào.


Langtang tới Kyanjin Gomba (3900m): Thung lũng của những người nằm lại. Sống hay chết chẳng phụ thuộc vào mình.


Kyanjin Gomba nép mình bên núi

Ít ai biết rằng Langtang là một trong 5 vùng bị ảnh hưởng lớn nhất từ trận động đất Gorkha năm 2015. 500 người, bao gồm cả người bản địa, người dẫn đường và du khách đã bị vùi lấp dưới những khối đá lớn đổ xuống thung lũng từ hai bên vách núi sau cú trở mình mạnh 7.9 độ richter. Vụ động đất mạnh đến mức biến đổi cả địa hình vùng Langtang, đánh sập mọi ngôi làng dưới chân nó. 500 người giờ đây chỉ còn lại trong bức hình rải rác trên các vách miếu dựng tạm trên đường, những chiếc tên được khắc vội trên vài phiến đá. Tất cả chỉ sau một ngày nghe kể là đã rất đẹp trời và chẳng có dấu hiệu báo trước thiên tai. Không có bất kì thông báo chính thức nào về sự ra đi hay biến mất của 500 người ấy, chỉ biết họ tới Langtang rồi không trở về nữa. 500 người ấy có khác gì tôi bây giờ?


Vài bức ảnh được dán lên đền thờ lập tạm bên cạnh tàn tích của một ngôi làng sau trận động đất năm 2015

Quãng đường từ Langtang tới Kyanjin Gomba trong ngày thứ 4 là chặng đường tôi trải nghiệm rõ ràng nhất về sự dữ dội của thiên nhiên và sự vô thường của sống-chết. Sáng ngày thứ 4, nhiệt độ là -17 độ C. Dòng chảy gần thượng nguồn đã chậm lại, thêm nhiệt độ thấp thì biến thành dòng sông băng. Không thể tin được dòng chảy chậm chạp trắng muốt màu băng và buốt giá ấy lại là dòng sông dưới hạ nguồn ầm ào, cuộn siết và có khúc thậm chí là suối nước nóng nghi ngút hơi nước. Thiên nhiên thật kì diệu và luôn khiến cho ta tò mò trước những biến đổi của nó, nhưng cũng khiến cho ta thấy mình quá bé nhỏ trước nó. Không còn tiếng nước chảy, xung quanh không có người, tôi bước đi trong sự yên tĩnh tuyệt đối của Langtang. Tựa như một thước phim không lồng tiếng, chỉ có tôi như một kẻ lạc đường đứng chơi vơi giữa hai dãy núi, gió thổi lùa tung chiếc khăn đỏ choàng trên đầu và tôi bắt đầu thoáng sợ hãi trước sự hùng vĩ của tự nhiên. Lần đầu tiên tôi nhận ra, một khi đã đặt chân vào thiên nhiên, sự sống chết không còn phụ thuộc vào mình. Một con người bé nhỏ như tôi đang hoàn toàn nương nhờ vào thiên nhiên, từ dòng nước, khí trời và cả sự sống này. Những người bạn phương xa leo núi năm ấy, hăm hở và đầy khao khát với núi rừng có lẽ đã chẳng khác gì tôi bấy giờ. Nếu thiên nhiên không bao bọc, che chở nữa thì sẽ biến thành một bức hình, một cái tên trên đá mà thôi…


Quá đỗi bé nhỏ trước thiên nhiên

Kinabalu cũng đã từng động đất và cướp đi sinh mạng của 9 người leo núi, hầu hết là học sinh và cũng vào năm 2015. Rinjani động đất và chớm phun trào 3 tháng sau khi tôi rời Indonesia khiến hàng trăm người thương vong. Không phải lần đầu tiên tôi biết đến những thảm họa ở những điểm đến mà mình lựa chọn nhưng không có nơi nào khiến tôi ý thức mạnh mẽ về sức mạnh của thiên nhiên như Langtang. Không rõ vì những tàn tích còn lại nơi tôi đã bước qua: Một ngôi trường sụp đổ, những ngôi làng phải di dời lên cao hơn, những đền thờ lập tạm, những bức ảnh hay những câu chuyện của những người bản địa vùng Langtang về một ngày tháng 4 đẹp trời năm 2015 bỗng dưng thành mất mát và những khuôn mặt không che dấu nổi nỗi đau thương mỗi khi nhớ lại. Tối hôm ấy, tôi dành thời gian bước ra khỏi bếp lửa ấm áp mà ngước lên trời, cầu nguyện thiên nhiên hay che chở cho tôi và cho Hiếu, hãy thấu hiểu cho lòng yêu thương thiên nhiên của chúng tôi mà đưa chúng tôi lên Tsergo Ri thành công và đưa chúng tôi về nhà an toàn.


(Còn tiếp)


Comments


bottom of page