"Mountains have a way of dealing with overconfidence" - Phần 1
- Lynnie Bailey
- Apr 11, 2018
- 5 min read
Updated: Sep 20, 2018
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, nâng lên đặt xuống cái mong muốn viết lại hành trình Rinjani không thể nào quên và cũng là nỗi buồn vì một hành trình không trọn vẹn. Rinjani, trước một cái tôi đầy kiêu hãnh và tự tin đã lột trần mọi sự xấu tính và bản ngã của con người tôi khi bị dồn vào khó khăn, ở cái mức mà chính tôi cũng không thể hình dung về bản thân mình. Đúng như người ta vẫn nói “Mountains have a way of dealing with overconfidence” – “Các ngọn núi luôn có cách xử lí những kẻ thừa tự tin”. Và chẳng biết đó là một điều may mắn hay không, một ngày đầu tháng 5, tôi đã trở thành kẻ thừa tự tin được Rinjani chỉnh đốn lại để biết mình là ai.

Vốn có một niềm yêu thích rất lớn với những ngọn núi và cũng khá tự tin vào thể lực của mình, tôi lên kế hoạch đi Indonesia một mạch ba ngon núi liên tiếp trong vòng sáu ngày. Vậy là sau Bromo và Ijen tôi lại xách balo ra sân bay Juanda, tiến về đảo Lombok nơi Rinjani, ngọn núi lửa còn hoạt động cao thứ hai Indonesia nằm ngủ yên lành. Rinjani cao 3,726m trên mực nước biển, còn xa mới cao bằng Kinabalu của Malaysia (4096.2m) nên tôi đã nghĩ rất đơn giản: đi Kinabalu được thì đi Rinjani được. Tôi đã lì lợm bỏ qua rất nhiều yếu tố phải cân nhắc đến khi quyết định leo một ngọn núi và thậm chí bỏ tập thể lực một tháng trước ngày đi.
Lombok là một đảo nhỏ của Indonesia nằm cạnh Bali nổi tiếng. So với một Bali đã được thương mại hóa và tràn ngập khách du lịch, Lombok nhỏ bé, khiêm tốn và kém nhộn nhịp hơn nhiều nhưng lại phù hợp với những ai muốn tìm kiếm một vùng đảo hoang sơ, yên tĩnh, nơi núi và biển giao hòa. Lombok ít người. 7h tối hạ cánh xuống sân bay đã chẳng thấy mấy ai ở ngoài đường. Nhưng tôi biết chắc chắn tôi sẽ thích nơi này bởi ngay sau khi bước ra khỏi máy bay, mùi biển cả đã đậm đà trong không khí mà không thấy vương chút khói bụi thành phố nào. Chưa kể lúc đó, tâm hồn tôi đã bay đến Rinjani mặc cho cơ thể đã thấm mệt sau 3 ngày đi lại và leo trèo liên tục. Đi ô tô thêm 100km, tôi đến được chân núi Rinjani vào gần nửa đêm. Thêm 30 phút san đồ đủ đồ dùng trong 3 ngày 2 đêm trên núi, tôi lên giường đi ngủ mà không mảy may chút lo lắng hay hồi hộp gì cho ngày hôm sau.
Ngày thứ nhất: Những bước chân yên ả
Hành trình của tôi bắt đầu một cách rất yên ả. Thời tiết đẹp, cung đường khá thoải. Chân núi là thảm cỏ cháy nắng cụt ngủn và khô cằn. Lên cao hơn thì cỏ cũng lên cao theo. Lúc đó tôi còn đùa Rinjani chẳng khác gì Tà Năng, chắc giống đi bộ đường dài thôi mà không biết rằng chỉ sau bữa ăn trưa ở lưng chừng núi, thử thách mới thực sự bắt đầu. Quá trưa, tôi bắt đầu tiến tới địa hình toàn tro núi lửa. Mặt trời lên cao và nóng bức như quyết khiến cho chúng tôi trở nên khô cằn như những ngọn cỏ xung quanh. Mặt đất bắt đầu không còn cứng cáp nữa, thay vào đó, mỗi bước chân của tôi bắt đầu lún và trượt xuống sau mỗi lần cất bước lên. Đôi giày cao cổ của tôi rất nhanh chóng được nèn bởi toàn cát và sỏi nhỏ ở bên trong nên cứ vào bước lại phải bỏ giày ra và vỗ cho hết sỏi mới cất bước tiếp được. Mặt đất, mặt trời đều không thuận lòng người, đến mặt tôi cũng đen xì theo. Cát bụi tung lên sau mỗi bước chân rồi ở lại trên mặt mũi tôi theo mỗi dòng mồ hôi túa ra. Búi tóc được thắt chặt cũng bắt đầu xù ra và xơ xác như một con chim nhỏ lỡ dại bay ngang sa mạc.

Một điều tôi thích ở leo núi là một khi đã cất chân đi, bạn có rất ít cơ hội để bỏ cuộc. Nhất là khi đang ở lưng chừng,bạn chẳng thể đòi bỏ về. Lựa chọn duy nhất là đi tiếp, ít nhất là tới chỗ ở gần nhất. Quay ra nói với Khánh được đúng một câu: “Chúng ta không thể ngủ ở đây được” và “ở đây” chính là sườn núi toàn cát với sỏi, không lều, không đồ ăn, chúng tôi lại hùng hục đi tiếp.
Tôi không biết phải bao nhiêu lần nghỉ chân, uống bao nhiêu ngụm nước và ăn bao nhiêu cái bánh thì tôi và Khánh mới vượt qua được dốc núi cuối cùng của ngày hôm ấy, để nhìn xuống camp site đủ màu sắc. Dưới ánh chiều vẫn chưa hết rực rỡ, một vệt đủ màu sắc của những chiếc lều nhỏ xíu hiện ra đầy sức sống và tươi vui. Những vệt màu đó và không khí huyên náo của những người bạn đã tới trước cười nói khiến tôi, dù đã hết hơi vẫn ráng góp thêm một nụ cười. Ngược lại với dải màu sặc sỡ ấy, hồ Segara Anak đơn sắc và lặng im phản chiếu ánh chiều lấp lánh và yên ả khiến lòng tôi và trái tim đang đánh trống ngực vì mệt cũng phải dịu lại. Tôi đã đến camp site với tất cả những sắc thái đối lập như thế, vừa mệt mỏi vừa tươi vui, vừa đơn sắc lại vừa sặc sỡ, vừa náo nhiệt những cũng rất bình yên…

Hồ Segara Anak nổi tiếng đến mức xuất hiện trên tờ 10,000 rupiah của Indonesia. Được mệnh danh là “biển bé” trong tiếng Bahasa bởi màu sắc xanh của đại dương dù ở độ cao hơn 2000m, hồ Segara Anak trở thành mục tiêu cho những đôi mắt đam mê nhìn ngắm cái đẹp kì vĩ. Cũng chính vì Segara Anak, không biết bao nhiêu con người đã bất chấp gian nan, ăn nằm với tro bụi núi lửa mà tới đây. Tận mắt từ trên cao nhìn xuống lòng hồ ở địa hình crater (địa hình lòng chảo núi lửa) hay được ngồi trên vành hồ (crater rim) ngắm hoàng hôn và uống một ngụm bia Bintang chắc chắn là những trải nghiệm rất khó quên với bất kì hiker nào. Và sau suốt một ngày lăn lộn dưới nắng nóng và cát bụi, hồ Segara Anak như một món quà mà Rinjani xoa dịu tâm hồn tôi, khiến mọi dữ dội mới đây còn gồng cứng đôi chân nay đã hóa bình yên lan tỏa khắp trong tôi.

Tối hôm đó, gió lớn dữ dội ngoài thành lều. Trăng sáng nhưng bầu trời sao mà tôi vẫn luôn mong đợi mỗi chuyến leo núi lại không ở đó. Chỉ duy nhất một màn đêm tĩnh lặng tuyệt đối, thỉnh thoảng ánh lên ngọn đèn pin của những người mất ngủ bao phủ lên chúng tôi và rủ chúng tôi vào giấc ngủ chập chờn.
...
Comments