top of page

Biển cát xám bên lòng chảo núi lửa Bromo

  • Writer: Lynnie Bailey
    Lynnie Bailey
  • Apr 11, 2018
  • 7 min read

Updated: Oct 28, 2018

Với một người đam mê những ngọn núi như tôi thì Indonesia là một điểm đến lý tưởng với vô vàn những ngọn núi lớn nhỏ đủ loại để tôi lựa chọn. Sau cả tháng trời cân nhắc kĩ lưỡng và lên kế hoạch một chuyến đi xuyên Indonesia trong vòng 10 ngày, tôi quyết định chọn Bromo là điểm khởi đầu.


Bromo – ngọn núi lửa hút khách nhất Indonesia


Indonesia có địa lý kéo dài từ Tây sang Đông chia làm nhiều đảo và bán đảo lớn nhỏ. Nằm trên vành đai Thái Bình Dương nên phần lớn núi ở Indonesia là núi lửa và vẫn còn hoạt động, sẽ khá nguy hiểm nếu không may ở trên núi khi đột ngột phun trào. Tuy nhiên đa phần sự hoạt động trở lại của các ngọn núi sẽ được dự báo trước và các ngọn núi sẽ được đóng cửa nhằm đảm bảo sự an toàn cho mọi người. Bromo là ngọn núi lửa cao 2329m, lần cuối phun trào là tháng 2 năm 2016. Bromo thuộc địa phận tỉnh Surabaya, phía Đông Java. Với kế hoạch đi một mạch từ tây sang đông, bắt đầu từ Java rồi qua Lombok, Bali, Bromo là nơi thích hợp để tôi bắt đầu hành trinh của mình.


Thực ra Bromo rất nổi tiếng vì đường lên núi không quá khó khăn, có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ và khung cảnh của Bromo đẹp một cách rất lạ (thực ra tất cả những ngọn núi trên 2000m tôi từng đi, ngọn núi nào cũng độc đáo không thể so sánh được). Sự nổi tiếng của Bromo khiến tôi chủ quan khi lên kế hoạch di chuyển vì nghĩ rằng sẽ có rất nhiều phương tiên di chuyển tới lui một địa danh du lịch. Nhưng không! Hạ cánh ở Surabaya lúc 7h tối, tôi bàng hoàng phát hiện ra không còn xe và cũng chẳng có phương tiên công cộng nào đi Bromo vào thời gian ấy, trong khi chuyến trekking Bromo của tôi bắt đầu lúc 3h sáng hôm sau. May mắn thay sau một hồi loay hoay bắt taxi, grab, uber, gojek các kiểu nhóm 4 người của tôi đón được bác tài Grab tốt bụng đồng ý đưa chúng tôi vượt đường núi xuyên màn đêm để đến được chỗ nghỉ ngay dưới chân núi Bromo. Đường đi men theo sườn núi xoay vòng vòng khiến tôi xây xẩm mặt mày và 1h sáng, sau hơn 3 tiếng lái xe liên tục chúng tôi đến được nhà nghỉ.


Có hai điều gây ấn tượng với tôi vào khoảnh khắc bước ra khỏi xe ô tô ngày hôm ấy. Đầu tiên là làn không khí lạnh nặng hơi nước ở độ cao gần 2000m. Ngồi trong ô tô với máy sưởi ấm áp, tôi ung dung diện áo ba lỗ (và mải xây xẩm mặt mày nữa) mà không để ý rằng trời đêm trên núi đã đổ lạnh từ bao giờ. Tuy vậy hơi lạnh khiến tôi tỉnh táo mà kịp ấn tượng với điều thứ 2: vầng trăng rằm trên núi. Đó là một điều may mắn cho tôi khi lên núi vào đúng ngày trăng rằm. Không biết có phải để lên cao gần với bầu trời hay sao mà vầng trăng hôm đó rất lớn, tròn trịa và hiên ngang trên nền những ngọn núi chập chùng. Vầng trăng ấy là khởi đầu cho Ijen, Rinjani và cả Bali những ngày sau ấy của tôi.


Bình minh từ King Kong Hill Viewpoint

Không ngủ được nhiều, 3h sáng chúng tôi thức dậy và lên xe Jeep tiến về King Kong hill view point, điểm ngắm bình minh của Bromo. Trời vẫn lạnh và nhiều gió khiến 4 đứa xích lại gần nhau mà co ro, lòng hậm hực: “Sao mình đi sớm quá vậy tụi bây?” Sớm vậy có lí do của nó. King Kong hill nhanh chóng trở nên đông đúc và đủ các loại ngôn ngữ được sử dụng. Do đến sớm nên chúng tôi đã “xí” được một chỗ góc nhìn rất tốt để đón mặt trời lên, ấy vậy mà vẫn bị xô đẩy chen lấn. Chờ mãi chờ mãi, cuối cùng mặt trời cũng lên lúc 5h sáng, xua tan sương lạnh và kéo lên cả sự hào hứng của chúng tôi. Ánh bình minh nhanh chóng phủ lên quang cảnh một màu tìm mờ đục hư ảo và len lỏi vào các đường rãnh đặc trưng của địa hình núi lửa khiến cho chúng tôi, những đứa trẻ lần đầu thấy tận mắt núi lửa phấn khích vô cùng.


Bình minh tím mờ soi tỏ những đường rãnh đặc trưng của địa hình núi lửa

Tiến về lòng chảo núi lửa

6h sáng, chúng tôi rời King Kong để tiến về miệng Bromo. Nếu trước đó tôi còn rất băn khoăn có nên lên núi bằng xe Jeep không thì quãng đường đi đã khẳng định rằng đi Jeep là một điều nên làm. Bởi lẽ, đường ven núi rất hẹp, hai xe Jeep đi ngược chiều nhau là đã sợ hết hồn và tôi thực sự lo lắng cho những người bạn đi bộ cứ chốc chốc lại phải ôm ngực nép vào vách núi mỗi khi có xe Jeep đi ngang qua. Nếu bạn đã từng cứng đầu leo bộ lên Lang Biang ở Đà Lạt và kinh hãi với những chiếc xe Jeep lao vun vút thì xin chào, Bromo sẽ nâng sự kinh hoàng đó lên một mức độ mới. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đặt chân đến “The Sea of Sand” – Biển cát Bromo.


The Sea of Sand Bromo

Gọi là cát thì hơi sai bởi cát Bromo chính là tro núi lửa. Cách miệng núi 3km, phía trước tôi chỉ là một màn khói bụi mờ mịt dưới ánh mặt trời chói chang. Chẳng sao cả, bởi tôi đang đứng trong 1 bức ảnh ngược sáng tuyệt vời. Biển cát Bromo làm mờ mọi đường nét và tô xám tất cả những khoảng màu quanh tôi. Dưới ánh mặt trời, tôi như được bao quanh bởi mênh mông những bóng ngựa, bóng người, bóng xe jeep và những miêng núi lửa nửa xám nửa đen. Hệt như tôi đã rơi vào một bộ phim đen trắng kì lạ vậy.



Quanh Bromo không thiếu những lời mời chào trải nghiệm lên núi bằng ngựa nhưng tôi quyết định lên núi bằng chân. Tự đi lên hơi cực vì nắng nóng và bụi, mở miệng ra trầm trồ thôi là đã được bữa sáng no bụng bằng tro núi lửa. Lại còn phải nhăm nhe né…phân ngựa đầy trên mặt đất. Nhưng phần hay ho nhất của đi leo núi chính là chịu cực một chút. Chịu cực để thấm được cảnh đẹp thật chậm rãi, thật sâu sắc. Cực để khi quay đầu lại tâm trí sung sướng chiêm ngưỡng cái đẹp đã đi qua. Cực một chút, để khi lên đến đỉnh núi, mọi thứ không chỉ dừng lại ở một đôi mắt nhìn ngắm cảnh đẹp mà còn ở cả một cơ thể trải nghiệm sự hùng vĩ.


Thực ra nếu không vì tro bụi thì chặng đường lên đỉnh Bromo là quá dễ dàng. Tôi chỉ cần đi tầm 2km đường bằng phẳng và lên thêm tầm 1 km đường đã có bậc thang xếp sẵn. Nhìn từ trên cao xuống mới thấy địa hình Bromo thật sự kì quái. Dọc từ miệng núi chảy dài xuống là những đường rãnh hằn sâu vào mặt đất, ngoằn ngoèo và bộn bề. Không thể tin được rằng đã từng có những dòng dung nham nòng bỏng phun trào rồi chảy dọc qua nơi đây. Tôi vốn yêu thích các ngọn núi vì được tận mắt nhìn thấy sự biến đổi của thảm thực vật theo độ cao và ở Bromo hầu như chẳng có cây cối gì ngoài ấy ngọn cỏ cứng cỏi. Nóng nực và khô cằn đến thế nhưng không hiểu sao, tôi lại bị sự cằn cỗi đó thu hút mãnh liệt. Là do luôn thích thú những khung cảnh đen trắng hay là do tâm hồn trẻ thơ trong tôi đã quá hồi hộp được nhìn thấy miệng núi lửa lần đầu tiên trong đời?


Và miệng núi lửa đó kia rồi! Tâm hồn tôi đã hân hoan như thế khi bước trên miệng núi như một lòng chảo khổng lồ, toang hoác, nứt nẻ và không ngừng bốc khói. Cái miệng núi nhăn nhúm sau những lần phình ra phun trào rồi giờ thì xẹp lép nhưng vẫn không ngừng thở khói hăm dọa những du khách tò mò như tôi. Miệng núi hẹp mà một bên là lòng chảo nghi ngút khói, một bên là dốc núi ngoằn ngoèo đường rãnh dung nham để lại khiến tôi cảm giác mình như một con kiến liều lĩnh bò trên mép chảo gang đặt trên bếp lửa mà chỉ cần một lần đặt sai chân chắc chắn sẽ tiêu đời.



Kí ức trắng xám đen


Kí ức trắng xám đen

Con kiến liều lĩnh ấy rồi lại theo những vết nứt nẻ mà bò xuống chân núi. Bụi phủ mờ cái áo khoác hồng rực tôi mang, mờ cả đôi giày vừa chập chững bắt đầu hành trình Indonesia của mình và cặp kính râm tôi hết mực nâng niu. Nhưng lớp bụi ấy lại mở ra một kiểu địa hình mới chỉ thấy trong sách vở cho cái đầu tò mò của tôi và đưa đôi chân một kẻ chỉ ham rong chơi đến một ngọn núi chưa từng qua trong đời. Chắc có lẽ vì vậy mà Bromo lùn tịt và khô cằn để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng tôi và cho đến giờ, vẫn là một trong những ngọn núi mà tôi yêu thích vô cùng.


Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về Bromo, một dải màu trắng xám đen vẫn hiện lên đầu tiên, bất kể sau đó xe Jeep có đưa tôi qua cả những dải xanh lá rộng lớn cách xa khỏi lòng chảo nghi ngút khói. Tôi vẫn thường hay mơ đến khung cảnh ngược sáng rộng lớn ấy, nơi ai đó đánh rơi những món đồ chơi nào xe Jeep, nào ngựa, nào người và thảy cả vào đó một nắm bụi lớn rồi hằn học dùng tay vạch lên đất những vết cào tùy tiện. Và tôi, tôi cũng là một nhân vật được sự cao hứng của mình bỏ vào đó trong một ngày cuối tháng 4, để thấy mình mãi mãi là một đứa trẻ tò mò, háo hức với những điều mới mẻ và lăn xả thấy cho bằng được những gì chưa thấy trong đời…


Gunung Bromo, April 2018

Comentarios


bottom of page