top of page

Nỗi trăn trở Kawah Ijen

  • Writer: Lynnie Bailey
    Lynnie Bailey
  • Apr 11, 2018
  • 8 min read

Updated: Oct 22, 2018

Những lúc cảm thấy tù túng trong 1 không gian 4 bức tường, tôi thường mơ mộng về những ngọn núi và lên kế hoạch xa xôi cho một chuyến đi không thể thực hiện ngay. Kawah Ijen xuất hiện trên màn hình laptop của tôi trong một ngày tù túng như thế và tôi đã biết, chuyến đi tiếp theo của tôi là để nhìn thấy ngọn núi phát sáng ấy.

Về lí thuyết, chuyến đi Indonesia của tôi bắt đầu từ Bromo nhưng chính xác nhất, phải là bắt đầu từ Ijen bởi Ijen khi đó là mục đích duy nhất. Indonesia rộng lớn và nhiều điểm đến hấp dẫn quá. Tôi mất gần 2 tháng để lên được một lịch trình đi lại hợp lý nhất trong 9 ngày từ tây sang đông nhưng mọi kế hoạch đều có 1 điểm chốt: nhất định phải qua Ijen. Vậy là sau một hồi nâng lên đặt xuống mọi lựa chọn, Ijen là điểm đến thứ hai của tôi.

Rời Probolingo sau khi đã lăn lê chán chê ở Bromo, tôi bắt tàu hỏa đi Banyuwangi, một thị trấn nhỏ nằm ở rìa đông Java. Đi từ trưa mà mãi gần 7h tối tôi mới tới được Banyuwangi và may mắn tìm được bạn tài xế biết ngôi nhà gỗ nằm sâu trong rừng mà tôi đã đặt trước. Thú thực là khi đặt chỗ ở hai đêm ở làng Licin, tôi không hình dung được nó lại ở một nơi…hẻo lánh đến thế. Từ nhà ga Banyuwangi đi gần 20 phút trong rừng chẳng có đèn đường, chằng mấy nhà dân, ngoài trời thì lành lạnh khiến tôi và nhóm bạn có chút rùng mình.


Hình ảnh huyền ảo và kì diệu đã lôi kéo tôi đến Ijen

Hành trình Kawah Ijen


1.30 sáng, tôi lại lật đật gọi 3 đứa bạn thức dậy để đón kịp những ánh lửa xanh ở Kawah Ijen. Từ làng Licin đến chân núi chỉ còn 7km thay vì 13km nếu đi từ trung tâm thị trấn. Cuối tháng 4 mà trời lạnh quá, gió lại lớn khiến tôi có phần lo lắng nghĩ đến đỉnh núi nghi ngút hơi gas mới chỉ thấy trên ảnh. Ijen cũng lại là một ngọn núi lửa lùn tịt không hơn Bromo là mấy nhưng Ijen ẩn chứa 1 điều quý giá khiến cho nó trở nên đặc biệt: quặng lưu huỳnh. Đã từng học qua hóa học thời phổ thông dù không giỏi nhưng cũng đủ để tôi biết hơi ga lưu huỳnh cháy trong không khí sẽ tạo nên ngọn lửa màu xanh. Hàng đêm khi màn đêm buông xuống, ngọn núi sáng rực những ngọn lửa màu xanh do hơi gas bốc lên từ khe nứt của núi do áp suất và nhiệt độ lớn rồi tương tác với không khi. Không những thế, hơi ga còn ngưng tụ thành sulphur lỏng, tạo thành các dòng chảy sulphur dọc xuống sườn núi và dòng chảy ấy vẫn tiếp tục cháy sáng, khiến nhiều người nhầm lẫn thành dung nham núi lửa. Chỉ nghĩ đến thế thôi là lòng tôi đã tràn đầy sự háo hức để tiến đến Ijen.


Một trong những sọt quặng lưu huỳnh nằm rải rác trên đường đi

Đến chân núi sớm quá, tôi lại co ro ngồi ôm cốc trà chờ đến giờ được phép lên núi. Càng ngày gió càng lớn, tôi được cảnh báo hôm đó không phải là một ngày tốt để tiến đến Ijen nên có hơi…ớn mà ghì chặt cái mặt nạ chống khói vừa được phát cho. Trí tưởng tượng có phần quá đà của tôi đang hù dọa tôi về một đỉnh núi đầy hơi độc, nóng giãy và sáng bừng. Đúng 4h sáng, tôi bước chân qua cổng núi tiến đến đỉnh Kawah Ijen.


Tôi luôn bị bất ngờ vì những dịch vụ xung quanh các địa điểm du lịch của Indonesia. Toàn những dịch vụ kì khôi nhưng những cái quan trọng và thiết yếu như phương tiện di chuyển thì lại khó khăn. Nếu ở Bromo có ngựa đưa người lên tận miệng núi thì Ijen có xe kéo bằng…sức người để đưa những du khách lười biếng lên đỉnh. Hàng loạt những chiếc xe kéo thô sơ 1 người ngồi xếp hàng dài vẫy chào những khuôn mặt ngái ngủ xem chừng ít vận động với giá 150,000 rupiah (~200,000 VND) một lần lên. Ấy thế mà rất nhiều du khách sẵn sàng chi tiền để thong dong lên núi sau lưng những người bản địa gầy gò đang cong lưng kéo xe qua sợi dây thừng siết chặt vào vai leo trên con đường dốc gập ghềnh đầy gió lạnh. Cảnh tượng đó làm tôi đau lòng dẫu biết rằng khi có tiền người ta được quyền lựa chọn và sự lựa chọn đó nuôi sống nhiều cuộc đời dù làm oằn cũng lắm đôi vai.


Đi Ijen không khó. Điều thử thách duy nhất là đường đi rất dốc và gió mạnh. Tôi chỉ sợ sau 5 giờ mặt trời lên tôi sẽ không kịp nhìn thấy những ngọn lửa xanh mà tôi hằng ao ước được ngắm nhìn. Nhưng vầng trăng hôm đó là trăng ngày rằm, tròn vành vạnh và to lớn trên nền những bóng núi cỏ cây bao la như động viên tôi cứ chầm chậm mà đi, mặt trời sẽ chưa tới ngay được đâu. Vầng trăng ấy soi sáng con đường phải đi hơn cả những ánh đèn pin chớp nhoáng của những người đi trước.



Đoạn đường bằng cuối cùng trước khi tiến gần đến hồ axit, gió càng lúc càng lớn. Lớn đến nỗi đẩy lùi bước chân tôi và các bạn. Cặp kính cận ngăn không cho cát bụi bay vào mắt tôi dù không thể bảo vệ khuôn mặt tôi bớt rát. Tôi run lập cập lấy thêm áo khoác và khăn choàng ra đeo. Điều may mắn là hướng gió khiến cho khói và hơi axit không bay tới tôi nên chiếc mặt nạ hầu như không được sử dụng đến dù mùi lưu huỳnh thoang thoảng trong không khí ngày càng nồng lên. Nhưng đó cũng là điều không may nhất chuyến đi của tôi: Do gió lớn làm axit bốc lên với nồng độ quá cao, tôi không thể tiến lại gần nơi khai thác quặng lưu huỳnh – nơi thấy rõ Blue Flame nhất. Ngày hôm đó, tất cả du khách chỉ được phép đứng trên mép hồ cách những ánh lửa xanh 1 km mà nhìn xuống. Khoảng cách đó chỉ đủ để tôi thấy những ánh xanh chập chờn, leo lét chứ không được rực rỡ và rõ ràng như trong các bài báo đã đọc. Khá thất vọng và lòng hầm hực với những cơn gió, tôi ráng nhón chân vươn người về hướng mỏ quặng mong sẽ thấy thêm điều gì đó, và đúng là tôi đã thấy thêm thật.


Ảnh sáng xanh mà tôi hằng mong đợi, thật không may lại chỉ có từng này do nồng độ axit quá cao nên không thể lại gần

Bù lại, tôi có được một ánh bình minh rực rỡ

Hiện thực sau ánh lửa xanh nổi tiếng


Bầu trời bắt đầu sáng dần lên phơi bày ra hiện thực trần trụi của ánh lửa ảo diệu được mong mỏi. Khi ánh mặt trời mạnh mẽ làm mờ đi ánh lửa xanh vừa mới đó thôi còn kiêu ngạo nhảy múa, ánh lửa lộ bản chất là làn khói hơi gas trắng vàng phun phì phì qua những kẽ nứt. Một màu vàng của lưu huỳnh phủ đầy một góc núi, nhuộm cả chân những ngọn khói trắng xanh tạo nên một tổng thể kì quái. Và bên dưới đó, nơi mà nhưng người du khách xa lạ chỉ dám đứng cách xa 1 km là những người bản địa da ngăm đen cần mẫn với cuốc chim, búa đục để tách đá lấy quặng mà chẳng có đồ bảo hộ. Dưới ánh mặt trời không phải là dòng chảy sulphur lộng lẫy tôi từng ao ước mà là dòng những người thợ mỏ mệt mỏi, đôi vãi trĩu xuống vì những sọt quặng không thể đơn sơ hơn. Họ cố gắng nèn ép vào đó những khối lưu huỳnh vàng khó ngửi rồi cất những bước chân nặng nhọc trong đôi dép lê từ dưới lòng hồ axit đi lên. Đó là cách mưu sinh của rất nhiều những người đàn ông, thanh niên của Banyuwangi. Tôi không thể hình dung ra nổi, cuộc sống khó khăn đến chừng nào để họ phải đánh đổi sức khỏe của mình làm một công việc chỉ kiếm được 9 USD 1 ngày và không ai có thể sống thọ quá 45 tuổi?


Khi những ngọn lửa xanh đã tắt, tôi tiếp tục đi lên để nhìn được toàn cảnh hồ axit. Như tất cả những ngọn núi lửa khác, Ijen cũng có một lòng chảo rộng lớn nhưng không khô cằn nứt nẻ mà chứa đầy nước. Hòa tan lưu huỳnh nhiều năm, hồ nước của Ijen trở thành một cái bể axit nguy hiểm mà nghe nói quăng xuống đó một đồng xu thì đồng xu sẽ tan chảy trong ít phút. Đổi lại, axit làm nước hồ xanh một màu xanh ngọc quý giá. Sau một hồi men theo mép núi, đi xuyên qua ánh bình minh rực rỡ, tôi cũng lên đến miệng hồ và cũng là đỉnh núi. Một màu xanh ngọc không ngừng nghi ngút khói hiện ra trước mắt tôi qua những thân cây uốn éo kì dị và không có lấy một chiếc lá. Làn khói ấy cùng với mùi lưu huỳnh hăng hắc nhắc nhở tôi rằng, đó là một hồ nước nguy hiểm chứ chẳng hiền hòa như trông có vẻ thế và cần tuyệt đối cẩn thận để không xảy chân ngã xuống.


Cận cảnh hồ axit xanh lơ và một quặng lưu huỳnh nhỏ vẫn không ngừng nghi ngút khói

Gió vẫn gầm gào và bụi vẫn quất vun vút vào mặt, tôi quyết định quay trở về sau khi đã ngắm nghía chán chê cái không gian xanh ngọc kì quá kia. Đồng hành với tôi quãng đường xuống núi không chỉ là đám bạn nhí nhố mà còn là những người thợ mỏ và những người phu kéo xe sau khi đã “thồ” xong người khách đến đỉnh. Đến lúc ấy tôi mới có dịp quan sát kĩ những người bản địa ấy. Toàn những người nhỏ bé, da ngăm đen và những đôi bàn tay, đôi bàn chân nứt nẻ bong tróc. Tấm lưng nào cũng không còn thẳng nữa và những bộ quần áo thì nhuộm một màu vàng hăng hắc. Suy nghĩ một ngày không xa, họ sẽ phải khổ sở với những căn bệnh do nhiễm độc lưu huỳnh gây ra khiến tôi đau lòng thêm một lần nữa. Họ khiến tôi cảm thấy ngại ngùng với bộ quần áo ấm áp và sạch sẽ của mình. Công việc của họ khiến tôi xấu hổ về những than vãn với công việc văn phòng thường ngày của tôi. Tất cả những gì tôi làm được là mua những vụn lưu huỳnh bé xíu với giá cao, mong ước nhỏ nhoi ngày hôm đó, có một người thợ mỏ được trở về nhà với nhiều hơn 9 USD. Nhưng tôi hiểu rằng, chỉ ngày mai thôi, khi mặt trời chưa lên, những con người ấy lại nhúng mình vào những ngọn lửa xanh chỉ đẹp đẽ và đầy quyến rũ với những vị khách tò mò như tôi, để đánh đổi thêm một ngày được sống bằng nhiều năm cuộc đời.



"Nhưng tôi hiểu rằng, chỉ ngày mai thôi, khi mặt trời chưa lên, những con người ấy lại nhúng mình vào những ngọn lửa xanh đẹp đẽ đầy quyến rũ với những vị khách tò mò như tôi, để đánh đổi thêm một ngày được sống bằng nhiều năm cuộc đời."

Nếu hỏi rằng tôi có thất vọng vì không thể thấy rõ những ánh lửa xanh hay không, tôi sẽ trả lời là có. Nhưng tiếc thì không. Ánh lửa Ijen đã cho tôi thấy một hiện thực đối nghịch mà nếu chỉ ngồi sau màn hình máy tính tôi không bao giờ hiểu thấu. Đôi lúc khi theo đuổi cái đẹp, người ta vẫn sẽ được cuộc đời nhắc nhớ về sự trần trụi thực tế. Không phải để thất vọng, mà là để có những trăn trở cần thiết, để thương lấy những mảnh đời xung quanh và để biết ơn cuộc đời mình đang sống. Những dáng người siêu vẹo gánh trên vai đôi quang gánh đầy những quặng lưu huỳnh vàng hăng hắc và nhưng đôi vai siết căng sợi dây thừng kéo xe vốn không phải để buộc lên một cơ thể người sẽ là nỗi trăn trở của tôi mãi mãi.


Kawah Ijen, May 2018.

Comments


bottom of page