top of page

Kinabalu - Động lực 1 Ringit

  • Writer: Lynnie Bailey
    Lynnie Bailey
  • Apr 11, 2018
  • 10 min read

Updated: Jul 18, 2018

Malaysia với nền văn hóa đa dạng, khoảng cách địa lý gần gũi, thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của người Việt. Đặc biệt, một Kuala Lumpur phồn hoa, hiện đại luôn là lựa chọn số 1 cho các tín đồ shopping hay một Penang cổ kính, mang nhiều dấu ấn thuộc địa lại được các bạn trẻ mê văn hóa tìm đến. Ít ai biết rằng chếch về phía Đông Malaysia cách Kuala Lumpur chỉ hơn 2 tiếng bay là một Sabah giàu tính lịch sử, thiên nhiên đa dạng và có thể thỏa mãn bất kì trái tim phiêu lưu nào.


Đỉnh South Peak huyền thoại trên tờ 1 Ringit


"Slow and Steady"


Bang Sabah và Borneo


Thực ra ngay từ khi nhập cảnh vào Malaysia, mọi du khách đều đã được “gợi ý” về Sabah bởi dòng chữ được đóng dấu trên hộ chiếu: “Permitted to enter and remain stay in West Malaysia and Sabah for thirty days” – “Được phép nhập cảnh và ở lại tại Tây Malaysia và Sabah trong vòng 30 ngày”. Tôi đã rất thắc mắc tại sao Sabah là một phần của Malaysia nhưng lại phải viết rõ “Tây Malaysia và Sabah”? Thực tế, khi hạ cánh xuống Sabah, mọi người đều phải nhập cảnh lại một lần nữa, với một lần đóng dấu nữa và du khách nước ngoài được hỏi khá kĩ lí do đến Sabah và kế hoạch tại Sabah là gì. Thậm chí có phần kĩ càng hơn cả khi nhập cảnh ở Kuala Lumpur. Nguyên nhân là do sự nhạy cảm về mặt chính trị và yếu tố lịch sử của quần đảo này. Sabah nằm phía Bắc đảo Borneo, nơi giao thoa và cũng là nơi tranh chấp trong thời kì thuộc địa của Malaysia, Brunei và Indonesia. 26% lãnh thổ Borneo được tuyên bố thuộc về Malaysia bởi thực dân Anh vào năm 1963 trước khi rút khỏi Đông Nam Á và nhà nước Liên bang Malaysia được thành lập. Sự thành lập này, tuy nhiên lại vấp phải sự phản đối của Indonesia vốn dĩ chiếm tới 73% lãnh thổ Borneo và sự đe dọa sáp nhập của Phillipines cho tới ngày hôm nay.


Lịch sử Sabah rất dài, nhiều biến cố và lắm đau thương như bất kì mảnh đất nào khác của Đông Nam Á trong thời kì thuộc địa, tuy nhiên bản thân Sabah lại vô cùng thanh bình và giàu sức sống. Nhắc tới Sabah, người ta sẽ nhắc đến hai điều: Núi Kinabalu cao nhất Malaysia, mục tiêu chinh phục của những hiker can đảm và quần đảo Sabah nổi tiếng với những bờ biển xanh mượt mà không thua kém gì Maldives và các khu rừng nhiệt đới với thảm thực vật phong phú.


Núi Kinabalu

Đã 8 tháng trở về từ Kota Kinabalu (Hay còn gọi là KK, thủ phủ của bang Sabah), tôi vẫn còn nguyên cảm giác choáng ngợp của chuyến chinh phục núi Kinabalu trong 2 ngày 1 đêm. Để đặt được một tour leo Kinabalu rất khó, thông thường phải đặt trước 6 tháng với chi phí không hề rẻ do số lượng người được phép leo Kinabalu mỗi ngày là 135 người. Đổi lại, người leo núi hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng chuyến đi: từ sự an toàn cho bản thân, chất lượng đồ ăn và chỗ nghỉ trên núi đến sự chuyên nghiệp của người dẫn đường.

Nếu bạn từng cầm trên tay tờ tiền 1 ringit của Malaysia, bạn sẽ biết Kinabalu, ngọn núi cao sừng sững 4095.2m chính là biểu tượng đầy tự hào của đất nước này. Cũng chính tờ tiền đó thôi thúc tôi bằng mọi giá kiếm cho mình một cơ hội đặt chân lên đỉnh núi và một ngày cuối tháng 11, 9h sáng, tôi có mặt ở cổng Timpohon dưới chân núi, sẵn sàng hành trình chinh phục. Sau một hồi đăng kí, nhận thẻ leo, kiểm tra passport cẩn thận của Ban Quản lí ngọn núi và sự giới thiệu bẽn lẽn nhưng đầy tin tưởng của anh Joe – người dẫn đường của tôi, tôi mạnh dạn nói “Yes” với câu hỏi nhẹ như không của anh “Shall we go” - “Chúng ta đi nhé?”.


Phải nói thêm rằng, quãng đường đi bộ từ Timpohon lên đến Low’s Peak (đỉnh núi cao nhất) là không dài, chỉ tầm 9km. Nhưng 9km từ độ cao 1820m đến 4095.2m đồng nghĩa với việc đường đi sẽ dốc đứng và rất ít quãng đường bằng. Để dễ hình dung, Fansipan của chúng ta thường được xuất phát leo từ độ cao 1245m đến đỉnh cao 3143m với quãng đường đi là 37km và rất nhiều những quãng lên xuống. Ngày đầu tiên, người leo thường sẽ dừng chân nghỉ tại Laban Rata ở độ cao 3,273m trước khi tiếp tục chinh phục đỉnh núi vào rạng sáng ngày hôm sau.


Dù tháng 11 là thời điểm đi Kinabalu tệ nhất trong năm do vào mùa mưa và gió mùa ẩm ướt, Kinabalu đón tôi bằng rừng nhiệt đới mát rượi và ánh sáng dịu dàng lấp lánh. Những bước đi đầu tiên trong rừng rất dễ dàng do đường đi đã tạo thành lối mòn với những bậc thang bằng đất. Lúc này, người leo có thể thư giãn, tận hưởng thảm thực vật cực kì đa dạng của Kinabalu và hãy chuẩn bị đón nhận sự ngạc nhiên khi bạn được nhìn thấy những kì hoa dị thảo mà bạn chưa từng thấy trong đời. Tôi nhớ nhất là Villosa, một loài cây nắp ấm xanh lá mà rất nhiều người hiểu nhầm là cây bắt mồi. Anh Joe kể thậm chí từng có 1 nhóm chuyên gia Nhật Bản kiên nhẫn lắp camera vào trong cây và kiên nhẫn chờ cây bắt mồi nhưng mấy ngày liền thấy cây hiền queo nên đành đi về. “Anh đã nói rồi, tụi dân địa phương toàn đem bỏ gạo vào nấu cơm ăn ngon lắm mà họ không tin”.


Villosa - công cụ nấu cơm của dân địa phương

Vì đi vào mùa mưa nên độ ẩm rất cao, không khí nặng hơi nước và nhiều mây. Qua được tầm ba trên tổng số sáu trạm nghỉ, trời bắt đầu tắt nắng và tôi bắt đầu đi vào khu vực ngọn núi bị mây che phủ. Lúc đó chỉ tầm 1h chiều mà tôi thấy se lạnh và dễ mệt hơn hẳn. Những ngọn núi đá trắng xám thoắt ẩn thoắt hiện sau làn mây tạo nên một cảnh tượng vừa hùng vĩ vừa bí ẩn, kích thích tôi tiến bước nhưng không thể nhanh nhẹn như lúc bắt đầu. Lúc ấy tôi mới bắt đầu thấm thía lời nhắc nhở của anh Joe suốt cả chặng đường: “Slow and steady” – “Chậm và ổn định”. Câu slogan ấy luôn luôn là lời nhắc nhở cũng như động viên bản thân của tôi mỗi khi cảm thấy cuộc sống mệt mỏi hay trôi qua quá nhanh.


Mây mù che phủ trong thoáng chốc

3h chiều, tôi đến được Laban Rata. Ngay sau đó, trời đổ mưa dữ dội và hoàng hôn buông xuống rất nhanh. Nhiệt độ xuống thấp đột ngột nên tôi ôm vội ly trà Sabah vào lòng trong lúc nghe hướng dẫn an toàn cho buổi đi via ferrata sáng hôm sau. Ngay sau đó, bữa tối thịnh soạn đã chờ sẵn ở dưới nhà, nóng hổi và thơm phức mời gọi những đôi chân mỏi mệt. Ấy vậy mà tất cả chúng tôi đều rất thờ ơ, tạm gác bữa tối lại mà lao ra ngoài trời buốt giá để chiêm ngưỡng hoàng hôn trên núi đẹp đến choáng ngợp! Mưa đã tạnh, mặt trời cuối ngày nhuộm những đám mây và màn sương khói một màu cam tím vô cùng ảo diệu. Cả một vùng không gian rộng lớn bỗng chốc như càng rộng thêm bởi những sắc màu trở nên đơn giản, các đường nét được làm mờ lại chỉ còn là những hình khối núi. Co ro trong chiếc áo khoác, tôi hít hà mùi núi rừng ẩm ướt và rưng rưng chìm đắm vào khung cảnh ngoạn mục hiếm gặp.


Hoàng hôn cam tím đẹp lộng lẫy

Quay lại với bữa tối, tôi được nhập cuộc với đồng bọn mới quen: một cặp đôi người Pháp, một cặp đôi người Mỹ-Canada và một ông bác Australia tóc dài lãng tử. Cũng chính họ và những người bạn xa lạ đến từ rất nhiều nơi trên thế giới rộng lớn này giúp tôi không cô độc trong hành trình liều lĩnh của mình. Đã đi leo núi nhiều nhưng chưa ở đâu tôi được nghỉ ngơi và ăn uống thịnh soạn như ở Kinabalu, bảo sao giá tour cắt cổ thế. Giấc ngủ buộc phải đến sớm, một phần vì tôi đã quá mệt sau khi leo 1 phát 2000m độ cao, một phần vì nửa đêm sẽ phải thức dậy để tiếp tục cuộc leo núi vào 1h30 sáng. Giấc ngủ chập chờn vì những người bạn quá phấn khích gây ồn ào bên ngoài, tôi loáng thoáng mơ thấy South Peak trên tờ 1 ringit…


Vừa ăn tối vừa ngắm hoàng hôn với những người bạn mới quen.

Đúng 1 giờ 30 phút sáng, tôi và Joe xuất phát từ Laban Rata. Đoạn đường leo đêm luôn là lúc vất vả nhất nhưng cũng là đoạn yêu thích nhất của tôi. Mặt đất ướt sũng do cơn mưa hôm qua để lại khiến mọi bề mặt đều trơn trượt khó đi. Đổi lại, tôi có một bầu trời đẹp tuyệt vời. Món quà của việc rời xa thành phố chính là một bầu trời không bị ánh điện làm phiền. Cơn mưa đã qua nên trời không còn mây, để lộ ra một dải ngân hà sáng lấp lánh tưởng chừng giơ tay lên thôi là có thể chạm tới. Những người bạn Malay đi cạnh tôi còn thì thào, mình thấy chòm Taurus, mình thấy chòm Virgo. Thú thật, đoạn đường lên đỉnh của Kinabalu là một trong những đoạn lên đỉnh khó nhất tôi từng qua. Trời rất lạnh, nhiệt độ vào khoảng 3 độ C và hơi ẩm cực kì cao, cộng với không khí loãng ở độ cao 4000m có thể gây sốc độ cao cho bất kì ai. Địa hình chặng cuối toàn là đá cứng trơn trượt và dốc đứng, nhiều đoạn phải có dây thừng giăng sẵn để người leo núi có thể bám vào dây mà đu mình lần từng bước theo vách đá.


Thử thách về thể lực là rất lớn nhưng thử thách về tinh thần còn lớn hơn. Hãy thử tưởng tượng, bạn phải di chuyển trên địa hình và điều kiện thời tiết như vậy, trong bóng tối với những anh đèn pin nhập nhoạng, hoàn toàn không nhìn thấy đích đến và xung quanh là vùng không gian rộng mênh mang không hồi kết. Tôi chỉ còn cách bước thật chậm, cố gắng giữ tinh thần không được bỏ cuộc bằng câu thần chú: “Mình có thể làm được. Chậm và vững vàng!”. Rất nhiều lúc tôi hướng ánh mắt vô vọng về hướng của Low’s Peak mà không nhìn thấy gì hết ngoài những vết nứt ngoằn ngoèo miên man bất tận. Rất nhiều lần tôi tự dằn vặt bản thân tại sao lại lựa chọn hành trình gian khổ này mà không phải ở lại KL, đi club với đám bạn rồi ngủ lại ở khách sạn sang trọng đầy đủ tiện nghi. Nhưng những ánh bình minh đầu tiên hất lên bầu trời đang sáng dần khiến tôi có động lực: phải đến đỉnh núi trước mặt trời.


Mặt trời nằm nghiêng soi rõ con đường đá nứt nẻ dựng đứng tôi đã đi qua trong đêm tối

“Em thấy không? Low’s Peak kia rồi”. Lời nhắc của Joe, người đã kiên nhẫn động viên và nắm tay tôi đi hết cái dốc đá dựng đứng đó khiến tôi tỉnh cả người. Bao nặng nề như rơi xuống, để tôi nhẹ bỗng tiến những bước cuối cùng về Low’s Peak. Và khoảnh khắc đặt tay lên cái chóp Low’s Peak, 4095.2 m trên mực nước biển và chứng kiến mặt trời nhô lên từ chân trời khiến tôi thổn thức. Nhảy tưng tưng như chưa từng mệt mỏi, rồi ngồi lại tĩnh lặng ngắm bình minh với những người bạn đồng hành khiến tôi chợt nhớ lại mục đích của hành trình này: để vượt qua giới hạn của bản thân và để tận mắt nhìn thấy những điều kì vĩ này.

Kinabalu đẹp thực sự, một kiểu đẹp rất riêng mà những ngọn núi tôi đã từng qua không so sánh được. Địa hình đá cứng nên đoạn đường gần đỉnh núi không có thực vật, đổi lại, những vết đá nứt nẻ, rộng mênh mang trở thành sự độc đáo chỉ Kinabalu mới có. Lần lượt các đỉnh núi hiện ra trong ánh sáng ngày càng rõ ràng: Low’s Peak, St. John, South Peak, Donkey Ears…Mỗi đỉnh một hình hài của đá góp phần tạo nên bữa tiệc đá xám chiêu đãi những đôi chân dũng cảm vượt qua thử thách của Kinabalu. Tôi ngồi phệt xuống đoạn đường đá mới bò qua, cười toe toét với mấy anh bạn cũng đang thở hồng hộc như tôi. Chúng tôi chia nhau miếng lương khô tôi xách từ Việt Nam qua, ngắm nhìn quang cảnh kì vĩ trước mặt và cùng đồng ý rằng đó là bữa sáng ngon nhất trong đời.


Low's Peak - niềm sung sướng và tự hào ở độ cao 4095.2 m

Hành trình Kinabalu của tôi kết thúc vào 3h chiều ngày hôm ấy với sự tự hào và đầy ăm ắp những suy ngẫm, sự chiêm nghiệm về cuộc sống mà tôi học hỏi được trên đường đi. Tuy vậy, hành trình ấy sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi những người bạn đồng hành đã thương yêu một cô gái độc hành như tôi. Chưa có ngọn núi nào lại khiến tôi thấy người leo thân thiện và đáng yêu như Kinabalu. Những người đi xuống sẽ động viên và tiếp sức cho người đi lên. Người đi vượt sẽ vỗ vai người đi sau. Tất cả tạo nên một “manner” Kinabalu rất riêng và rất ấm áp. Với riêng tôi, có lẽ vì sự độc hành của mình mà tôi tự thấy mình được mọi người yêu quý và giúp đỡ hơn. Những người bạn sau khi biết tên tôi là Linh thì đã nhất loạt tự động chuyển tên tôi thành “Darling” và bằng cách nào đó, hầu hết những người leo núi hôm đó đều biết có một cô “Darling” đến từ Việt Nam leo Kinabalu một mình. Để rồi sau đó, chặng đường tôi đi không đếm xuể những cái ôm, những nụ cười, những cái bắt tay đủ mọi quốc tịch. Họ khiến tôi mạnh dạn mà tuyên bố rằng, những người leo núi toàn là những người tốt. Kinabalu một ngày mùa mưa lạnh giá nhưng lại ấm áp vô cùng.


Với tôi, hành trình Kinabalu như một sự phản chiếu ngắn gọn về cuộc sống. Rất nhiều khi trong cuộc đời trước những trải nghiệm khó khăn tôi quên đi lí do mình bắt đầu và muốn bỏ cuộc. Nhưng Kinabalu dạy tôi rằng, đừng bỏ cuộc vì tôi sẽ thấy ý nghĩa của việc mình đang làm ở một đỉnh núi rực rỡ đang chờ tôi. Nếu mệt thì đi chậm, sự chậm rãi và vừng vàng, cả ở đôi chân và suy nghĩ sẽ đưa tôi đến nơi muốn đến. Cũng đừng ngại khó khăn thiếu thốn bởi nó sẽ cho tôi sự thong dong ở một cuộc đời đầy đủ hơn. Hay đơn giản hơn là hãy tử tế với người xa lạ bởi chính tôi vào một dịp không ngờ đến đã được biết bao người lạ đối xử ấm ấp đến động lòng.


Cung đường via ferrata dài nhất thế giới của Kinabalu

Kinabalu không dành cho tất cả mọi người nhưng nếu một ngày bạn tìm kiếm một điều gì đó ý nghĩa hơn một chuyến đi nghỉ dưỡng an nhàn, hãy nghĩ đến tờ 1 ringit của Malaysia. Biết đâu bạn lại có động lực 1 Ringit nhưng đáng giá suốt đời thì sao?


Gunung Kinabalu, Nov 2017

Comentarios


bottom of page