Hành trang không mong muốn
- Lynnie Bailey
- Nov 10, 2018
- 6 min read
Dù chưa phải là một người đi được quá nhiều nơi, tôi nghĩ rằng giữa tôi và hầu hết những người đam mê du lịch khác luôn có một điểm chung trong hành trang, đặc biệt là những người ưa những chuyến đi mạo hiểm hay khám phá. Đó là một điều không ai trong chúng tôi mong muốn, nhưng lại không thể tránh được, không cách nào để nó ở nhà mà bước đi, ấy là sự lo âu hay với một số người bị nặng hơn, chứng rối loạn lo âu. Để tôi kể bạn nghe, món hành trang phiền toái này liên tục xuất hiện trong balo của tôi như thế nào.

Sợ máy bay
Vì nhiều lí do mà tôi phải di chuyển bằng máy bay khá thường xuyên nhưng chưa bao giờ tôi dám mạnh dạn tuyên bố rằng tôi bước lên máy bay mà không có chút sợ hãi nào. Tôi cảm thấy vô cùng bất an mỗi khi nghĩ rằng mình sẽ/đang lơ lửng ở trên không trung, nơi không một đỉnh núi nào chạm tới và mọi thứ đã không còn trong tầm kiểm soát của mình. Trong lúc máy bay lăn bánh trên đường băng, việc tôi luôn làm đó là cầu nguyện và khi hạ cánh, tôi không quên cám ơn một phép màu nào đó đã giúp tôi an toàn. Nếu có thể gặp vị cơ trưởng, hẳn tôi sẽ lao vào ôm chặt thay lòng biết ơn nhưng thật may cho các vị cơ trưởng, tôi chưa có cơ hội làm điều đó.
Hãy thành thật nhé, bạn có thấy kinh hoàng mỗi khi đọc về một vụ máy bay rơi không? Tôi thì có đấy. Những tai nạn hàng không thảm khốc dù không nhiều nhưng chắc chắn khiến nỗi sợ máy bay của tôi tăng lên nhiều độ. Mỗi khi bay trong thời tiết xấu khiến máy bay rung lắc hoặc tăng giảm độ cao đột ngột là một lần người tôi căng cứng, siết chặt tay vịn ghế và không ngừng cầu nguyện dù là một người vô thần chính hiệu. Nỗi sợ hãi có thể khiến con người ta trở nên vô lý và nực cười đến thế.
Máy bay lại là một phương tiện không thể không dùng với mỗi chuyến đi xa. Mỗi một lần bay, tôi luôn chất đầy vali một nỗi sợ máy bay vô hình để rồi không ít lần làm một con nhỏ ngớ ngẩn trong khoang khách, lẩm bẩm những điều lặp đi lặp lại và liên tục day thái dương hoặc ôm ngực trước mỗi chuyển động nhỏ như một cú lắc nhẹ của con chim sắt khổng lồ.

Sự hoang tưởng
Bạn có thể cho rằng một bộ óc giàu trí tưởng tượng là một món quà. Tôi cũng cho là vậy. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ hệ lụy của trí tưởng tượng quá đà chính là sự hoang tưởng chưa?
Đã không biết bao nhiêu lần trước khi bắt đầu bước chân lên một ngọn núi hoặc cất bước tới một vùng đất mới, tôi vẽ ra trong đầu hàng tỉ những viễn cảnh kinh hoàng, những tai nạn mà tôi có thể sẽ gặp phải. Kinabalu đã từng động đất năm 2015, giết chết gần 20 người leo núi và một chuyện tương tự có thể gặp lại với mình. Kota Kinabalu thậm chí còn nổi tiếng với nạn cướp biển đến chính người Malaysia còn phải e dè. Bromo, Ijen, Rinjani đều là những ngọn núi lửa còn hoạt động, sẽ thế nào nếu mình không may lên núi vào đúng một dịp chúng vui lên và phun trào? Hoặc đơn giản là sảy chân ở một mép núi nào đó? Chuyện sẽ còn nặng nề hơn nếu bạn có một gia đình cũng hay hoang mang đến độ hoang tưởng, thậm chí có phần hơn cả bạn. Gia đình tôi, như một thói quen, luôn cố gắng ngăn chặn ý tưởng du lịch của tôi bằng những tai nạn, những sự kiện khủng bố, sự phân biệt chủng tộc mà, “bố/mẹ/ông/bà nghe đồn thế” hoặc “báo đài nói đầy”.
Đến đây, bạn có thể nghĩ rằng tôi đang lo sợ quá đà rồi. Nhưng thực tế là, ngay sau khi tôi rời khỏi Surabaya (Indonesia) một tuần, thành phố này bị đánh bom bởi một gia đình Hồi giáo cực đoan bao gồm cặp vợ chồng và bốn đứa con còn rất nhỏ tuổi, khiến 18 người chết và 40 người bị thương (1). Ít ngày sau Surabaya gặp thêm thảm họa Merapi phun trào khiến sân bay Juanda đóng băng một thời gian (2). Sau đó 3 tháng, động đất Lombok - nơi tôi vừa leo Rinjani 3 ngày 2 đêm, tiếp tục cướp đi sinh mạng của 490 người và hủy hoại 100 căn nhà (3), biến hòn đảo xinh đẹp thành đống đổ nát, bỏ lại nỗi sợ Rinjani phun trào và không quên gửi chút dư chấn sang Bali - nơi tôi mới lướt sóng uống bia hồi tháng 5.

Những thực tế rất gần đó cộng dồn với nỗi hoang tưởng và sự chăm đọc sách báo của tôi thực sự đã biến tôi thành một kẻ nhút nhát và dè dặt trước mỗi quyết định du lịch của mình.
… và rất nhiều những nỗi sợ khác, suy cho cùng, là một cơ chế tự vệ bình thường
Nếu đã từng xem Inside Out, hẳn bạn còn nhớ năm nhân vật đại diện cho 5 cảm xúc của con người: Joy, Sadness, Anger, Disgust và Fear. Mỗi nhân vật, mỗi cảm xúc đóng một vai trò riêng với con người sở hữu chúng và với Fear - cảm giác sợ hãi, sứ mệnh của nó là khiến cho con người phải cảnh giác và suy nghĩ kĩ càng trước khi quyết định hành động.
Ít hay nhiều, tôi là một người sợ độ cao. Cảm giác chênh vênh khi dưới chân không có gì hoặc đứng bên mép của một vật gì đó là một điều khiến tôi cực kì kinh hãi. Tôi luôn mất rất nhiều thời gian trước một trò mạo hiểm liên quan đến độ cao như cliff jumping, zipline, hiking, via ferrata ,... Chủ yếu là do không bao giờ có thể một lần làm ngay mà còn mất thời gian hỏi han về cơ chế hoạt động của các thiết bị an toàn hay khóc lóc, gào thét (một cách rất mất mặt).Tôi cũng không biết bơi nhưng lại lỡ mê lướt sóng, lặn, snorkelling… thành ra phải bỏ thời gian để trao đổi với người hướng dẫn hoặc đọc về đơn vị tổ chức tour rất kĩ trước khi quyết định làm. Việc tìm hiểu chính là cơ chế tự vệ mà nỗi sợ hãi của tôi mang lại.

Suy cho cùng, kết quả của sự sợ hãi hay lo âu không phải là quyết định đi hay không đi mà là cơ chế tự vệ của chính mình. Quyết định với mỗi người là khác nhau và quyết định của tôi là ra đi cùng thứ hành trang không thể bỏ lại ấy nhưng được gia cố bằng một sự chuẩn bị tốt. Dù quyết định là có hay không, thì bạn cũng hãy yên tâm rằng không có gì là phi thương hay tầm thường ở đây, bởi chúng ta là những cá nhân khác biệt. Tôi tin rằng, ai cũng ít nhiều sợ hãi một điều gì đó và càng biết nhiều thì càng sợ nhiều nhưng cũng nên vì thế mà bản lĩnh hơn, phải không?
Tôi sẽ không khuyên bạn hãy luôn luôn mạnh dạn quyết định có bởi chính tôi cũng có những lúc nói không. Nhưng chắc chắn một điều, người nói có sẽ có thưởng và người nói không sẽ có sự an toàn. Những lần nói có của tôi đã mang lại cho tôi những cảnh đẹp ngoạn mục, những lần thoát khỏi định kiến hạn hẹp của một kẻ chỉ biết đọc sách và một cuộc sống tạm gọi là hào hứng. Ở một thái cực khác, những lần nói không cho tránh cho tôi những rủi ro tôi cũng không chắc nữa, như một lần ngất xỉu gần đỉnh Rinjani chẳng hạn?
Để khép lại bài viết này, tôi có một câu hỏi tặng bạn. Câu hỏi mà tôi luôn tự hỏi bản thân trước những khoảnh khắc mạo hiểm:
“Nếu không làm, mình có hối tiếc không?”
Nếu câu trả lời là có, bạn biết mình sẽ làm gì tiếp theo rồi đó.
Bài viết có sử dụng thông tin từ:
Sài Gòn, Nov 2018
Yorumlar